Ukraine dùng pháo phản lực HIMARS Mỹ cung cấp tấn công cầu tại Kherson

ANTD.VN - Quan chức tỉnh Kherson do Nga bổ nhiệm cáo buộc quân đội Ukraine dùng pháo phản lực HIMARS tập kích một cây cầu bắc qua sông Dnieper.
"Chúng tôi đếm được khoảng 8 phát đạn bắn trúng cầu Antonovsky, một số quả bị phòng không đánh chặn", Kirill Stremousov, phó lãnh đạo do Nga bổ nhiệm ở tỉnh Kherson, miền nam Ukraine, ngày 20/7 thông báo.

Ông Stremousov cáo buộc quân đội Ukaine khai hỏa 12 quả đạn, chia thành hai loạt, từ hệ thống pháo phản lực HIMARS để tập kích cầu Antonovsky lúc rạng sáng.

"Cây cầu bị hư hại nghiêm trọng, có khả năng bị phá hủy. Giao thông trên cầu tiếp tục, song nguy cơ tắc nghẽn do phương tiện hạng nặng không qua được", ông Stremousov nói và cho biết giới chức địa phương chưa nhận được thông tin về thương vong trong vụ pháo kích.

"Cây cầu bị hư hại rất nặng. Nó có thể sửa chữa, nhưng sẽ cần nhiều thời gian. Nó sẽ không bị sập, chúng tôi chỉ đơn giản là đang tạm thời đóng cửa cây cầu", Kirill Stremousov, phó lãnh đạo do Nga bổ nhiệm ở tỉnh Kherson, nói, cho biết thêm, không có thương vong trong vụ pháo kích.

Truyền thông Nga cho biết, đây là ngày thứ hai quân đội Ukraine tập kích vào cây cầu bắc qua sông Dnipro. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Anh nói cầu Antonivskyi là "lỗ hổng quan trọng với lực lượng Nga".

"Đây là một trong hai điểm duy nhất mà Nga có thể viện trợ hoặc rút quân trong lãnh thổ chiếm đóng ở bờ tây con sông", bộ này cho biết. Phía Ukraine chưa bình luận về thông tin này.

Nga đã kiểm soát thành phố Kherson vào những ngày đầu của chiến sự và gặp rất ít kháng cự từ phía Ukraine.

Tổng thống Zelensky hồi tháng 3/2022 đã kết tội phản quốc hai quan chức tình báo (SBU) là Serhiy Kryvoruchko, người đứng đầu SBU ở Kherson, và trợ lý Ihor Sadokhin.

Hai người này bị cáo buộc tạo điều kiện cho Nga dễ dàng tiến vào Kherson, khiến thành phố thất thủ chóng vánh.

Ở một diễn biến liên quan, Mỹ đã đồng ý chuyển thêm pháo phản lực HIMARS cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thông báo sẽ gửi thêm 4 hệ thống pháo phản lực HIMARS tới Ukraine để giúp lực lượng này ứng phó Nga.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm ra các cách thức sáng tạo để duy trì sự hỗ trợ lâu dài cho lực lượng vũ trang Ukraine. Chúng tôi sẽ điều chỉnh sự hỗ trợ của mình để đảm bảo Ukraine sở hữu được công nghệ, đạn dược cùng hỏa lực để tự vệ", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết hôm 20/7.

Ông Austin thông báo Mỹ sẽ cấp thêm cho Ukraine 4 hệ thống pháo phản lực HIMARS, nâng tổng số pháo HIMARS mà Washington cung cấp cho Kiev là 16.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói thêm, gói hỗ trợ mới cho Ukraine cũng bao gồm đạn cho Tổ hợp Pháo phản lực Phóng loạt (MLRS) cùng đạn pháo.
Mỹ đã cung cấp 8 tỷ USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine kể từ khi nổ ra chiến sự ở nước này, trong đó 2,2 tỷ USD được cung cấp trong tháng trước.
Phương Tây đã cung cấp cho Ukraine nhiều loại vũ khí để giúp nước này đương đầu với lực lượng Nga.
Ukraine cho biết, đã sử dụng nhiều pháo phản lực từ phương Tây để thực hiện thành công các cuộc không kích nhằm vào 30 cơ sở hậu cần và kho đạn dược Nga.
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, được phát triển từ tổ hợp Pháo phản lực Phóng loạt (MRLS) M270. Mỗi hệ thống HIMARS được biên chế kíp vận hành 3 người.
Pháo có thể mang 6 quả đạn đường kính 227 mm với tầm bắn 80 km, tầm bắn này vượt trội so với tất cả các loại pháo đang có hiện nay của Nga vốn chỉ có tầm bắn tối đa 70 km.
Do tầm bắn xa hơn nên pháo phản lực HIMARS đã tránh được đòn phản pháo của lực lượng pháo binh hùng hậu của Nga.
Mặt khác do chiến thuật cơ động, ngay sau khi bắn, kíp pháo thủ liền cơ động thật nhanh pháo HIMARS khỏi vị trí vừa khai hỏa khiến radar phản pháo của Nga không kịp bắt bám.
HIMARS có thể cơ động với vận tốc tối đa lên tới 85 km/h trên đường tốt. Vì thế việc dò tìm vị trí của loại vũ khí này hết sức khó khăn.
Ngoài đạn pháo dẫn đường chính xác cao, HIMARS còn có thể trang bị một tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS có khả năng đánh trúng mục tiêu cách 300 km.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu hồi đầu tuần ra lệnh ưu tiên phá hủy các tên lửa và pháo tầm xa trong đó có HIMARS của Ukraine sau khi những vũ khí do phương Tây cung cấp cho Kiev được sử dụng để tấn công các tuyến tiếp tế của Nga.
Nga ít nhất hai lần tuyên bố phá hủy các hệ thống HIMARS của Ukrine, tuy nhiên chưa có thông tin độc lập để kiểm chứng tuyên bố của Nga, phía Kiev thì bác bỏ.
HIMARS giúp quân đội Ukraine có khả năng tấn công sâu hơn vào phòng tuyến của Nga. Đây được đánh giá là loại vũ khí thắp hy vọng cho lực lượng Ukraine, khi các binh sĩ tin rằng nó có thể giúp họ tạo đột phá trên chiến trường.
Tuy có ưu thế, nhưng số lượng HIMARS ít, vì vậy không ít chuyên gia cho rằng, sớm muộn Nga cũng có thể tìm ra cách khắc chế loại vũ khí này để giành lại thế chủ động trên chiến trường.