Ukraine có thể nhận hệ thống phòng không IRIS-T SLM/SLS cực mạnh của Đức

ANTD.VN - Trang Avia của Nga cho biết, Đức đang cân nhắc để chuyển giao 10 hệ thống phóng không IRIS-T SLM/SLS cho Ukraine. Nếu được chuyển giao, hệ thống phòng không đầu tiên sẽ đến Ukraine vào tháng 11/2022.
Đức đã thay đổi hoàn toàn chính sách viện trợ quân sự cho Ukraine, rất có thể họ sẽ chuyển giao hệ thống phóng không IRIS-T SLM/SLS cho Ukraine. Vào ngày 17/4, Đức đã chấp thuận phát hành hơn 1 tỷ Euro viện trợ quân sự cho Ukraine.

Trên thực tế nhiều vũ khí hạng nặng đã được Berlin chuyển giao cho Kiev bao gồm thiết giáp, pháo phòng không tự hành Gepard và cả hệ thống pháo PzH 2000 cho Ukraine.

Vào đầu tháng 5/2022, Quốc hội Đức đã bỏ phiếu gửi vũ khí hạng nặng cho Ukraine sau nhiều tuần tranh luận căng thẳng kéo dài.

Việc Đức tiếp tục viện trợ vũ khí hạng nặng và vũ khí công nghệ cao cho Ukraine gây cho Nga nhiều lo ngại.

“Hội đồng An ninh Liên bang Đức hiện đang thảo luận về việc liệu Ukraine có nhận được hệ thống phòng không của Đức hay không! Đặc biệt, chúng ta đang nói về hệ thống IRIS-T SLM/SLS với tầm bắn 40 km", tờ Bild của Đức đưa tin.
"Với sự trợ giúp của IRIS-T SLM/SLS, quân đội Ukraine có thể bắn hạ máy bay chiến đấu, trực thăng, tên lửa hành trình, đạn pháo rocket, máy bay không người lái, tên lửa chống radar và bom của đối phương, qua đó đảm bảo an toàn cho vùng trời ”, tờ Bild nhấn mạnh.
“Sau khi nội các chấp thuận việc giao hàng, các quân nhân có thể bắt đầu đào tạo về cách sử dụng hệ thống này ở Đức. Ukraine có thể nhận được 10 tổ hợp phòng không này", tờ Bild cho biết thêm.
Hệ thống phòng không IRIS-T SLM/SLS được Đức và Thụy Điển hợp tác phát triển trên nền tảng các tiêu chuẩn mới với kiến trúc mở, tạo sự linh hoạt tối đa trong quá trình nâng cấp.
Tổ hợp vũ khí này cho phép kết hợp các yếu tố bao gồm cảm biến, radar, hệ thống điều khiển chiến đấu, thông tin liên lạc... từ các nhà sản xuất khác nhau vào một nền tảng duy nhất
Điểm độc đáo của hệ thống phòng không này đó là nó sử dụng tên lửa không đối không IRIS-T có thể tấn công các mục tiêu trên không trong phạm vi 25 km.
Tên lửa IRIS-T có thông số kỹ thuật cơ bản bao gồm: trọng lượng 87,4 kg; chiều dài 2,93 m; đường kính thân 127 mm; sải cánh 447 mm; lắp đầu nổ phá mảnh uy lực cao.
Đầu dò hồng ngoại của tên lửa IRIS-T có độ nhạy cao và chống lại được các biện pháp đối kháng điện tử của đối phương.
Kết cấu thân cùng động cơ mạnh mẽ trang bị hệ thống kiểm soát vector lực đẩy giúp chúng có khả năng truy sát mục tiêu cực tốt.
Đặc tính ưu việt khác của tên lửa IRIS-T đó là nó có khả năng bao quát phạm vi lên đến 360 độ, điều này đặc biệt lợi thế trong việc truy đuổi mục tiêu.
Tên lửa IRIS-T có hai chế độ bắn: khóa trước khi phóng (LOBL) và khóa sau khi phóng (LOAL), cho phép tiêu diệt hiệu quả mục tiêu ở mọi góc độ, trong nhiều điều kiện giao tranh.
Hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T SLM/SLS đặt trên khung xe kéo moóc bánh xích Hagglunds BV 410 giúp cho sự cơ động cao.
Tổ hợp tên lửa phòng không IRIS-T SLM/SLS được thiết kế để bảo vệ các đơn vị quân đội và cơ sở hạ tầng khỏi tên lửa hành trình, máy bay cánh cố định cũng như trực thăng tấn công của kẻ thù.
Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trang bị hệ thống phòng không thuộc gia đình IRIS-T SLM/SLS.
Nếu có trong tay hệ thống phòng không cực nguy hiểm này, năng lực phòng không của Ukraine sẽ tăng lên rõ rệt và họ sẽ đe dọa các máy bay của Nga.