UAV cảm tử Lancet 'cứu vớt' danh tiếng máy bay không người lái nội địa Nga

ANTD.VN - Những thành công của UAV cảm tử Lancet trên thực địa đã mang lại niềm tin lớn hơn cho ngành công nghiệp quốc phòng cũng như binh sĩ Nga.

Công ty ZALA Aero của Nga mới đây cho biết, máy bay không người lái cảm tử (hay còn gọi là đạn tuần kích) Lancet đã được nâng cấp sau khi tham khảo kinh nghiệm sử dụng trong thực tế.

Theo thông báo chiếc Lancet đã nhận được một hệ thống dẫn đường quang - điện tử mới đi kèm phần mềm cải tiến, những thay đổi trên mang lại khả năng điều khiển tốt hơn rất nhiều.

Nhà sản xuất tiết lộ rằng phiên bản mới của máy bay không người lái cảm tử Lancet đã lược bỏ đôi cánh hình chữ X và nhận được đầu đạn mạnh hơn, cho phép tấn công mục tiêu được bọc giáp kỹ lưỡng.

Mặc dù vậy, hiện vẫn chưa rõ sửa đổi cụ thể là như thế nào. Cần nhấn mạnh, chiếc Lancet được trang bị hai cặp cánh hình chữ X bố trí ở giữa thân và phía đuôi có tác dụng rất lớn trong việc điều hướng.

Cặp cánh hình chữ X là “thương hiệu” nhận diện đối với Lancet, quả đạn tuần kích đặc biệt này có khả năng phát triển tốc độ lên tới 110 km/h và tấn công được mục tiêu từ cự ly cách xa tới 40 km.

Điều đáng chú ý là Lancet được thiết kế để mang 3 loại đầu đạn - nổ lõm, phân mảnh và nhiệt áp, cho phép nâng cao tính linh hoạt trong việc sử dụng và tấn công các mục tiêu như xe bọc thép, pháo binh, radar, hệ thống phòng không và nhân lực của kẻ thù.

Đặc biệt loại đầu đạn xuyên lõm của Lancet trong những lần thử nghiệm đã xuyên thủng được 215 mm thép đồng nhất (RHA), khiến nó đủ khả năng phá hủy cả xe tăng chiến đấu chủ lực nếu thực hiện cú đánh từ trên xuống đúng vào chỗ bọc giáp mỏng nhất.

Giới chuyên gia quân sự trong và ngoài nước đều thống nhất ý kiến Lancet là loại máy bay không người lái thành công nhất từng được Nga sản xuất. Chiếc UAV này đã thay đổi thái độ của Quân đội Nga về việc sử dụng máy bay không người lái nội địa.

Đây là điều rất đáng khích lệ, khi hàng chục UAV khác của Nga bị xem là đã thất bại, chẳng hạn như Orlan-10 vốn được ca ngợi nhiều nhưng thực chất có màn thể hiện không mấy ấn tượng.

Ngoài ra còn phải nhắc tới hai “Bom tấn” đó là máy bay không người lái trinh sát - tấn công Orion hạng trung, hay chiếc Altius-RU hạng nặng, chúng gần như đã biến mất hoàn toàn sau lần ra mắt được quảng cáo rầm rộ.

Vào cuối năm 2022, một báo cáo do Bộ Quốc phòng Nga công bố đã cho biết phần lớn máy bay không người lái chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và tiêu chuẩn khi tham gia những bài kiểm tra cấp nhà nước.

Đây là một trong những lý do quan trọng khiến Moskva quay sang Tehran để mua sắm loạt máy bay không người lái Shahed-136 hay Mohajer-6 do quốc gia Trung Đông này sản xuất.

Với thành công của UAV cảm tử Lancet, truyền thông Nga hy vọng rằng máy bay không người lái tàng hình S-70 Okhotnik của họ sẽ nối tiếp “ánh hào quang” và không rơi vào “vết xe đổ” như Orion hay Altius-RU.

Tuy vậy cần nhấn mạnh, so sánh chiếc UAV cảm tử tương đối đơn giản như Lancet với một hệ thống tác chiến không người lái phức tạp như S-70 Okhotnik là rất thiếu hợp lý.

Trong tình cảnh nước Nga đang chịu nhiều lệnh cấm vận, khiến không nhập khẩu được chất bán dẫn hay chip xử lý công nghệ cao, rất khó để họ tạo ra được những UAV đủ tinh vi và đảm bảo chất lượng.