Học viện Hành chính có hơn 5.500 thí sinh đăng ký dự thi, tỷ lệ các em đến làm thủ tục đạt trên 80%, cao hơn nhiều so với đợt thi đầu tiên (74%). ĐH Y Hà Nội là trường có số lượng thí sinh đăng ký dự thi gấp 17 lần số chỉ tiêu tuyển sinh. Tại Hà Nội, trường có 23 điểm thi với 551 phòng thi. Tuy nhiều điểm thi, lượng thí sinh đăng ký đông nhưng Đại học Y Hà Nội vẫn huy động toàn bộ cán bộ của trường tham gia coi thi, không có sinh viên, để đảm bảo tốt nhất an ninh cho kỳ thi.
Nhiều thí sinh khuyết tật được tuyển thẳng. Năm nay, do có quy định tuyển thẳng cho thí sinh khuyết tật nên nhiều trường đã xét duyệt và làm thủ tục tuyển thẳng cho nhiều thí sinh bị khuyết tật như Đại học Luật Hà Nội vừa xét tuyển thẳng thí sinh Nguyễn Thanh An (SN 1989) bị khiếm thị hoàn toàn. ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh có 4 thí sinh khiếm thị được tuyển thẳng vào trường, trong đó có 2 thí sinh tốt nghiệp THPT loại giỏi. Tại ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh có 10 thí sinh được xét tuyển thẳng, trong đó có 2 thí sinh khiếm thị, 1 trường hợp bị ảnh hưởng chất độc da cam. Trong kỳ tuyển sinh đợt II này, có hai thí sinh khiếm thị được đặc cách miễn thi vào trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng là: Lê Quang Đạt được xét tuyển vào khoa Sử, Võ Đình Cường được xét tuyển vào khoa Ngữ văn.
lBộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý công tác chống gian lận thi cử. Tại các điểm thi sáng 8-7, hầu hết giám thị đều nhắc thí sinh những lỗi vi phạm quy chế. Ban chỉ đạo các điểm thi đặc biệt lưu ý cán bộ coi thi và thí sinh trong việc ký giấy thi, giấy nháp, phiếu đánh trắc nghiệm vừa đủ, không ký thừa, ký đúng vị trí quy định trên giấy thi, phiếu trắc nghiệm; không để thí sinh ký trước vào danh sách thu bài, chú ý thực hiện đầy đủ các quy định khi thu bài...