Phát biểu tại lễ tuyên dương ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết: “Thông tin về việc các y bác sỹ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội quên mình cứu sống người bệnh khiến tất cả đều xúc động. Sự việc diễn ra quá đột ngột và trong thời khắc sinh tử của bệnh nhân, hầu hết các bác sỹ, y tá, hộ lý chỉ biết khẩn trương bắt tay vào việc níu giữ sự sống cho bệnh nhân mà không kịp làm bất cứ thao tác nào để đề phòng lây nhiễm HIV cho chính mình. Đây là tấm gương vì người bệnh mà ngành y luôn lấy làm tôn chỉ để phụng sự”.
Tiến sỹ Nguyễn Duy Ánh – Giám đốc Bệnh viện phụ sản Hà Nội cũng thông tin thêm: “Ngay sau khi kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân cho thấy dương tính với HIV, tất cả số nhân viên y tế tham gia cấp cứu cho bệnh nhân đã được sử dụng thuốc kháng virus dự phòng HIV. Kết quả kiểm tra mới nhất cho thấy cả 19 người đều âm tính, tuy nhiên sau khoảng 20 ngày nữa các y bác sỹ này sẽ được xét nghiệm lại để khẳng định xem họ có bị lây nhiễm hay không. Nhận định từ Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cho biết là nhờ được xử lý và uống thuốc chống phơi nhiễm kịp thời nên nguy cơ lây nhiễm sẽ rất thấp. Hiện bệnh viện đã động viên các bác sỹ tham gia kíp cấp cứu nói trên và mọi người vẫn đi làm bình thường”.
Quang cảnh tại buổi lễ khen thưởng
Trước đó, ngày 4-7, bệnh nhân N.T.H trên đường từ Quảng Ninh về Hà Nội đã phải nhập viện trong tình trạng xuất huyết tử cung rất nặng, không đo được mạch, huyết áp và thở ngáp cá, tim gần như ngừng đập. Nhận định nếu không xử lý kịp thời thì chị N.T.H sẽ tử vong trong 1-2 phút.
Ngay lập tức, các bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã ép tim ngoài lồng ngực, thực hiện các thao tác hồi sức cấp cứu và mổ ngay tại phòng khám để cứu bệnh nhân.
Bác sỹ Nguyễn Nhật Hoan
Bác sỹ Nguyễn Nhật Hoan, người trực tiếp hồi sức ban đầu cho bệnh nhân cho biết: “Khi tôi có mặt, người bệnh nhân sũng máu, dấu hiệu sinh tồn gần như bằng không, do đó chúng tôi phải lao vào cấp cứu ngay lập tức. Thậm chí còn không đủ thời gian để đẩy xe cáng của chị ấy đến phòng mổ bởi nếu vậy sẽ quá muộn. Sau khi hồi sức và có dấu hiệu của sự sống, tim đập trở lại thì máu từ âm đạo bệnh nhân lại tiếp tục phun thành dòng nên các bác sĩ phẫu thuật phải tiến hành cắt toàn bộ tử cung để cầm máu.
Trong quá trình phẫu thuật, chị H được truyền tới 4 lít máu và 2 lít dung dịch thay thế máu. Nếu không cắt bỏ, chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong do nhiễm trùng huyết. Lượng máu trong người bệnh nhân đã cạn kiệt đến mức khi phẫu thuật đã gần như không chảy ra chút nào. Điều đặc biệt, ca phẫu thuật được tiến hành gấp nên các y bác sỹ hoàn toàn không kịp chuẩn bị các phương tiện phòng chống lây nhiễm HIV. Chỉ đến khi có kết quả xét nghiệm chúng tôi mới biết bệnh nhân nhiễm HIV, nhưng tất cả mọi người đều đã dính máu của người bệnh trong quá trình cấp cứu”.