- Cuộc hội ngộ của Tuồng Việt
- Nhà hát Tuồng Việt Nam đón Huân chương Độc lập hạng Nhất
- Nhà hát Tuồng Việt Nam dựng "Ao làng"
Điều đặc biệt của vở diễn là lần đầu tiên, tuồng Việt mời tác giả Chu Soo Pong làm đạo diễn. Do vậy, tuy là sân khấu truyền thống nhưng vở tuồng lại đầy yếu tố ngoại.
Những lớp cảnh tươi sáng của vở diễn
Gặp khó do bất đồng ngôn ngữ
Với cách nhìn mới về tuồng, đạo diễn Chu Soo Pong đã tái hiện câu chuyện tình thấm đẫm nước mắt từng được ông dàn dựng tại nhiều sân khấu trên thế giới.
Đạo diễn này chia sẻ: “Trong vở tuồng này, tôi nhấn mạnh vào không gian, hành động sân khấu, giọng nói của diễn viên, làm thế nào để có thể diễn đạt những cảm xúc như tình yêu, hạnh phúc, cáu giận… một cách tốt nhất. Bản thân nghệ thuật tuồng, các vũ đạo, động tác thể hiện trạng thái tình cảm cũng như hoàn cảnh, ngữ cảnh đều rất rõ ràng. Ngoài ra, nhiều bối cảnh sẽ đẩy nhanh nhịp độ, tiết tấu cho phù hợp”.
Trong quá trình dựng vở, đạo diễn Chu Soo Pong cũng gặp những khó khăn do bất đồng về ngôn ngữ mà ngay cả khi có phiên dịch cũng không đủ sức diễn tả hết ý đồ của ông. Tuy vậy, vị đạo diễn này vẫn có cách để diễn viên, nghệ sỹ thực hiện các chuyển động cơ thể mà ông mong muốn. Nhiều khi ngôn ngữ bất lực thì đạo diễn còn lao cả lên sân khấu để thị phạm trực tiếp cho diễn viên.
Hơn thế, vốn là người Singapore, đạo diễn Chu Soo Pong tìm thấy nhiều điểm tương đồng giữa tuồng Việt Nam và Kinh kịch của Trung Quốc về nhịp độ, cử chỉ mạnh và sự phát triển kịch tính, dù vẫn có những khác nhau cơ bản về hành động diễn. Nên khi bắt tay vào dàn dựng, ông không mất nhiều công sức để tìm hiểu và làm quen với bộ môn nghệ thuật truyền thống của Việt Nam. Đến khi vở diễn ra mắt vào tối 28-4 tại Hà Nội, ông Chu Soo Pong khá hài lòng với các nghệ sỹ Nhà hát Tuồng Việt Nam và chất lượng tác phẩm đã cống hiến với người xem.
Đưa tuồng Việt “xuất ngoại”
Dù yếu tố ngoại của vở diễn chiếm đến 50% cấu thành nhưng vở tuồng vẫn là một sản phẩm văn hóa đậm chất Việt. Điều đó được thể hiện trong thiết kế mỹ thuật rất gần gũi với cây đa, giếng nước, sân đình và cách diễn, cách thoại không thể lẫn vào đâu của tuồng Việt Nam. Do vậy, có thể khẳng định “Dưới bóng đa huyền thoại” trước hết là dành cho khán giả Việt Nam, sau đó mới đến các cuộc thi quốc tế và dành cho khán giả ngoại.
Theo tiết lộ của Ban giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, việc mời đạo diễn ngoại tham gia dàn dựng vở diễn này không chỉ mang lại hơi thở mới cho các tác phẩm được ra mắt trong năm 2017 mà còn nằm trong kế hoạch đưa tuồng Việt “xuất ngoại”. Cụ thể, vào tháng 8-2017, vở “Dưới bóng đa huyền thoại” sẽ tham dự Liên hoan Nghệ thuật Pohang (Hàn Quốc).
Vở diễn “Dưới bóng đa huyền thoại” dẫn dắt khán giả đến với cây đa nghìn năm tuổi có linh dược chữa bách bệnh. Tuy nhiên, sau một biến cố, thần đa bị tên tà độc hoán đổi những nhân vật sống trong cây đa phục vụ mục đích hút máu người để tăng quyền lực trở thành bá chủ thiên hạ.
Trước sự tàn ác của tên tà độc, một cô gái giàu lòng nhân hậu cùng chàng trai do con chim khổng tước biến thành đã can đảm chống lại. Sau cuộc tranh đấu, chàng trai và cô gái đều chết.
Nhân dân đã xây dựng ngôi đền tưởng nhớ công lao của hai người và thần đa. Vở diễn có sự tham gia của NSND Ánh Dương trong vai thần đa và kiếm sỹ, NSND Hồng Khiêm trong vai chồng người hái lá thuốc và thuyền chài, cùng tập thể diễn viên Nhà hát Tuồng Việt Nam.