Tuần dương hạm tên lửa Đô đốc Ustinov Nga vừa bị khu trục Mỹ bám đuôi

ANTD.VN - Hai khu trục hạm Mỹ bám theo tuần dương hạm tên lửa Đô đốc Ustinov Nga khi con tàu ra Đại Tây Dương, kết thúc hơn 6 tháng hoạt động ở Địa Trung Hải.

Tuần dương hạm tên lửa Đô đốc Ustinov của hải quân Nga ngày 25/8 đi qua eo biển Gibraltar ra Đại Tây Dương, rời Địa Trung Hải sau hơn 6 tháng hoạt động tại vùng biển này.

Ngay khi tuần dương hạm tên lửa Đô đốc Ustinov tiến vào Đại Tây Dương, hai khu trục hạm tên lửa Mỹ là USS Cole và USS Bainbridge lập tức bám theo chiến hạm Nga trong hai giờ, song chưa rõ lý do của hoạt động này.

Tuần dương hạm tên lửa Đô đốc Ustinov thuộc lớp Đề án 1164 Atlant, được Liên Xô khởi đóng sau soái hạm Moskva hai năm.

Soái hạm Moskva bị chìm ngày 14/4, phía Nga công bố nguyên nhân chìm là do xảy ra hỏa hoạn trong lúc tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine", trong khi phương Tây và Ukraine nói chiến hạm này bị bắn chìm.

Tuần dương hạm tên lửa Đô đốc Ustinov, thuộc Hạm đội phương Bắc của Nga, dẫn đầu nhóm tác chiến mặt nước tiến vào Địa Trung Hải hồi đầu tháng 2 và đóng quân ngoài khơi bờ biển phía nam đảo Crete, Hy Lạp.
Tuần dương hạm Varyag, chiếc thứ ba trong lớp Đề án 1164 và thuộc Hạm đội Thái Bình Dương, vào tháng 2 được điều tới hoạt động gần căn cứ hải quân Nga ở Tartus, Syria.
Đợt triển khai của tuần dương hạm tên lửa Đô đốc Ustinov và Varyag trùng thời điểm Mỹ và NATO tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman.

Mỹ triển khai tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Địa Trung Hải từ tháng 12/2021, không đoàn của chiến hạm này xuất kích tới 90 lần mỗi ngày.

Liên Xô bắt đầu chế tạo tuần dương hạm lớp Đề án 1164 Atlant từ giữa những năm 1970 nhằm đối phó tàu sân bay Mỹ.
Ba chiến hạm lớp Đề án 1164 Atlant đã được hoàn thành và thuộc biên chế hải quân Nga, một chiếc chưa hoàn thiện neo đậu ở Mykolaiv, Ukraine và 4 chiếc còn lại bị hủy bỏ.
Riêng chiếc Đô đốc Ustinov đã bắt đầu chương trình hiện đại hóa của mình từ năm 2011 tại nhà máy đóng tàu Zvezdochka sau khi trải qua 25 năm phục vụ kể từ khi nó được Hải quân Liên Xô đưa vào trang bị từ năm 1986 và sau đó là Hải quân Nga.
Tàu Đô đốc Ustinov tập trung vào việc tái trang bị hệ thống radar, với việc trang bị mới: hệ thống radar cảnh báo sớm “Boletus”, hệ thống radar mảng pha trinh sát tầm thấp Fregat-M2M, hệ thống radar trinh sát tầm xa MR-650 Podberezovik-ET2 và hệ thống radar điều khiển hợp nhất MR-800 Flag.
Sức mạnh hỏa lực của chiếc tàu này là cụm ống phóng tên lửa chống hạm tầm xa P-1000 Vulkan với 16 đơn vị, đi kèm với đó là tổ hợp tên lửa phòng không trên hạm S-300F và OSA-M với hơn 100 đơn vị hổ trợ phòng không tầm xa lẫn tầm ngắn.
Bên cạnh đó, nó còn được trang bị một hải pháo nòng đôi 130mm AK-130 và 6 tổ hợp vũ khí đánh chặn tầm gần AK-630.
Ngoài ra còn 2 cụm 12 ống phóng rocket chống ngầm RBU-6000 và hai cụm 5 ống phóng ngư lôi 533 mm.
Nhờ hệ thống động lực cực mạnh, tuần dương hạm này có thể đạt tốc độ tối đa 59 km/h, tầm hoạt động tới 5.600 km