Từ vụ nữ cục trưởng nhận hối lộ 5,2 triệu USD: Nộp lại bao nhiêu tiền nhận hối lộ sẽ 'thoát' án tử hình?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau khi bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước bị cáo buộc nhận 5,2 triệu USD để bao che sai phạm cho Ngân hàng SCB nhưng đã nộp lại tiền, nhiều người đặt câu hỏi, nộp lại bao nhiêu tiền nhận hối lộ sẽ không bị lĩnh án tử hình?

Bà Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đã bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ.

Song trong quá trình điều tra, bà Nhàn đã thừa nhận hành vi của mình, thành khẩn khai báo, phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ vụ án và đã nộp lại toàn bộ 5,2 triệu USD đã nhận hối lộ.

Vâỵ, theo quy định hiện hành, nhận hối lộ bao nhiêu sẽ bị lĩnh án tử hình? Việc nộp lại số tiền nhận hối lộ có được xem là tình tiết giảm nhẹ tội?

Theo Điều 354 BLHS 2015 sửa đổi về Tội nhận hối lộ quy định, người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm, có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản - luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Các bị can trong vụ Vạn Thịnh Phát
Các bị can trong vụ Vạn Thịnh Phát

Trường hợp người phạm tội nộp lại số tiền nhận hối lộ, theo Điều 51 BLHS 2015 các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự gồm: Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm; Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng…

Như vậy, việc nộp lại số tiền nhận hối lộ được xem là tình tiết giảm nhẹ tội. Trường hợp bị kết án tử hình về tội hối lộ nhưng chủ động nộp lại số tiền đó có thể được giảm án.

Bởi theo Điều 40 BLHS2015, tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.

Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp: Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên;

Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này hoặc trường hợp người bị kết án tử hình được ân giảm, thì hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Bên cạnh đó, theo Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ được quy định như sau:

Trong quá trình tố tụng, người phạm tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ¾ tài sản nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.