Từ vụ Diệp Lâm Anh 'tố' bị gắn định vị lên xe: Lén lút theo dõi người khác có thể bị phạt tù

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Mới đây, Diệp Lâm Anh đã công khai việc cô bị kẻ gian lén gắn thiết bị định vị lên ô tô riêng và thực tế có không ít cá nhân cũng ở trong tình trạng tương tự. Nhiều người đặt câu hỏi: "Hành vi theo dõi, lén lút cài, gắn thiết bị định vị vào điện thoại, xe của người khác có phạm pháp"?

Trên trang cá nhân, Diệp Lâm Anh đã khiến nhiều khán giả không khỏi lo lắng khi chia sẻ hình ảnh cô đang có mặt tại bệnh viện. Đây chính là động thái đầu tiên từ cựu người mẫu sau khi cô công bố chuyện bản thân phát hiện bị theo dõi nhờ gặp tai nạn giao thông.

Đáng buồn là sự việc trên không phải hi hữu. Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

Chiếc xe của nữ ca sỹ được cho là đã bị gắn thiết bị định vị theo dõi

Chiếc xe của nữ ca sỹ được cho là đã bị gắn thiết bị định vị theo dõi

Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật.

Về hành vi theo dõi người khác, Quyết định 27/2018/QĐ-TTg quy định, dịch vụ điều tra và thám tử được xem là một trong những ngành, nghề thuộc Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, nằm trong nhóm các hoạt động điều tra bảo vệ an toàn.

Tuy nhiên, việc điều tra, theo dõi người khác phải không làm ảnh hưởng đến cuộc sống, bí mật cá nhân, gia đình của họ. Trường hợp người không hành nghề thám tử, nhưng có hành vi theo dõi người khác cũng phải đảm bảo nguyên tắc nêu trên.

Bên cạnh đó, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý.

Về chế tài xử lý đổi với hành vi theo dõi làm ảnh hưởng cuộc sống của người khác, Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh, mặc dù nghề thám tử điều tra được xem là hợp pháp tại Việt Nam, nhưng nếu việc điều tra, theo dõi sau đó có hành vi tiết lộ hoặc phát tán tư liệu, tài liệu thuộc bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của họ có thể bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng (khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân lén lút gắn thiết bị theo dõi người khác có thể bị xử lý hình sự về một trong các tội như Tội xâm phạm chỗ ở của người khác, Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác…

Cụ thể: Người nào theo dõi, điều tra người khác thông qua đồ dùng cá nhân như điện thoại, thư tín có thể bị xử lý về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159 BLHS 2015) với mức phạt cao nhất lên đến 3 năm tù giam.

Trường hợp người theo dõi thông qua việc xâm nhập nơi ở của người khác có thể bị truy cứu TNHS đối với Tội xâm phạm chỗ ở của người khác quy định (Điều 158 BLHS 2015) với mức phạt tối đa đối với người phạm tội này có thể lên đến 5 năm tù.