Từ hiện tượng thanh niên càn quấy trên đường phố, Luật sư đề xuất xử lý nghiêm cả người giao xe

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong hai ngày qua, lực lượng 141 CATP Hà Nội củng cố hồ sơ xử lý gần 200 trường hợp thanh niên "đầu trần" điều khiển xe máy tốc độ cao, có dấu hiệu đua xe. Trước sự việc này, nhiều người cho rằng, để ngăn nạn đua xe trái phép, cần phải xử lý nghiêm khắc không chỉ người đua xe mà còn cả phụ huynh giao xe...

Đua xe trái phép có thể bị phạt tù tới 20 năm

Về chế tài xử lý đối với hành vi đua xe trái phép, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Luật giao thông đường bộ 2008 nghiêm cấm việc đua xe, cổ vũ đua xe, tổ chức đua xe trái phép, lạng lách, đánh võng.

Do đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả, đối tượng thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về xử lý hành chính, theo Khoản 19 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 100/2019, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với người đua xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện trái phép. Phạt tiền từ 20-25 triệu đồng đối với người đua xe ô tô trái phép.

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu phương tiện, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe trong thời hạn nhất định.

Hơn 40 thanh niên "đầu trần" đi xe máy tốc độ cao vừa bị Cảnh sát 141 phát hiện, xử lý

Hơn 40 thanh niên "đầu trần" đi xe máy tốc độ cao vừa bị Cảnh sát 141 phát hiện, xử lý

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, cá nhân đua xe trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều 266 BLHS 2015 sửa đổi nêu rõ, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm nếu gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31-60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31-60%; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Phạt tù từ 1-5 năm nếu làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn…

Trường hợp làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên…thì bị phạt tù tới 20 năm.

Về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông, Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định rõ, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Về tuổi, sức khỏe của người lái xe, người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3. Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên…

Do đó, cá nhân chưa đủ độ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới.

Ngoài ra nếu các cá nhân tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, tháo hoặc che biển số xe thì còn có thể bị xử phạt về các hành vi này.

Cần xử điểm để răn đe

Theo quy định hiện hành, việc giao xe máy cho người chưa đủ tuổi tham gia giao thông là vi phạm pháp luật nên cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tổ chức vi phạm bị từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.

Nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người giao xe sẽ bị xử lý hình sự về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Điều 264 BLHS 2015 quy định, người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định làm chết người thì bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, thời gian qua có tình trạng các đối tượng tổ chức đua xe tại nhiều địa phương, khi bị xử lý lần thứ nhất tại tỉnh này thì chuyển qua địa phương khác để đua. Nếu có bị bắt và bị xử lý hành chính thì vẫn là lần đầu vì giữa các địa phương chưa có sự liên thông với nhau. Do đó, cần có sự liên thông giữa các địa phương để xác định hành vi tái phạm của đối tượng đua xe trái phép mới có thể xử lý hình sự.

“Ý thức pháp luật của các đối tượng tổ chức đua xe, đua xe trái phép rất kém, làm mất TTAT xã hội. Hành vi vi phạm pháp luật này hiện nay đã có công cụ để điều chỉnh. Điều quan trọng là cơ quan chức năng phải quyết liệt, có giải pháp mạnh tay xử lý nghiêm đối tượng vi phạm hay không. Tôi cho rằng, với những vụ việc nghiêm trọng cần xét xử theo thủ tục rút gọn nhằm xử lý nhanh chóng, kịp thời đối tượng sai phạm, thậm chí phải xử điểm công khai để răn đe những cá nhân khác” – Luật sư Hồng Vân đề xuất.