Từ "gái đú", gái bao trở thành người hết mực hiền ngoan

ANTĐ - Hiền đàn đúm, giao du với những người bạn cùng lứa tuổi ở làng bên, lang thang với đám trai làng xã khác, đến khi cô giật mình thì đã trở thành gái “đú”, gái bao, qua đêm với không biết bao người.

Dẫu chồng Hiền có khiếm khuyết về hình thể, nhưng với người từng có tì vết như cô, vốn từng dấn thân vào cái nghề buôn phấn bán hương, dính vào ma túy, lại từng vào tù ra tội, niềm hạnh phúc thật không có gì sánh bằng.

“Cháu hư tại bà”

Ngày tôi gặp Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1980, quê ở Hải Hòa, Thanh Hóa), cô vẫn còn đang học lớp xóa mù chữ khi đang thụ án trong trại giam Thanh Phong vì tội mua bán ma túy. Hiền dong dỏng, nước da nâu mịn màng, ăn mặc sành điệu, chẳng ai nghĩ cô lại thất học. Mỗi khi phải ký nháy thứ gì, Hiền chỉ biết giơ ngón tay lên để điểm chỉ. Lắc cái đầu có mái tóc tém đang dài dần, Hiền bảo học mãi mà chẳng con chữ nào vào đầu, qua hai khóa học rồi mà cái tên vẫn viết sai. Vậy mà ngày nhỏ, Hiền từng ngồi ở lớp 7 trường làng.

Hiền sinh ra đã sớm thiệt thòi vì mới lọt lòng thì bố tử nạn trong một lần ra khơi đánh cá. Cám cảnh nhà, mẹ cô bỏ vào Nam kiếm việc rồi lấy chồng khác và bặt tin từ đấy. Hiền ở với ông bà ngoại, lớn lên trong sự nhọc nhằn kiếm sống của hai người già và những lời giễu cợt của bọn trẻ trong xóm.

Thương đứa cháu côi cút sớm thiệt thòi đủ đường, ông bà ngoại cưng chiều Hiền hết mực, dù bữa cơm đạm bạc đến đâu cũng cố kiếm con tôm, miếng cá, không thì cũng phải có quả trứng gà dầm nước mắm. Sinh ra và lớn lên ở làng chài, ông bà của Hiền cũng không thoát được cảnh no đói phụ thuộc vào sự lành dữ của biển cả. Vì thế, chỉ khi nào đôi vợ chồng già ra biển kiếm được nhiều ngao, bắt được nhiều mực đem bán, Hiền mới có miếng thịt ăn cho đỡ quên.

Trong ký ức tuổi thơ của Hiền luôn đầy ắp những buổi lang thang chơi một mình trên bãi cát, những buổi lê la cùng bọn trẻ trong xóm đến xẩm tối mới trở về. Đó còn là những bát mì tôm nguội lạnh lúc giá rét mà ông bà đã nấu sẵn cho Hiền từ sáng sớm, vì không thể quay về giữa nhà và biển... Hiền làm sao quên được những buổi tối, dưới ánh đèn nhỏ, cô ngồi xem ông bà nhặt những thứ kiếm được từ biển về, để thành từng món riêng, rồi mơ tưởng tới nắm xôi mật cuối buổi chợ bà mua về. Nhờ sự chăm chút ấy của ông bà, dù sống trong cảnh bần hàn nhưng Hiền không đến nỗi còi cọc. Cô có nước da nâu mịn màng và mái tóc xoăn, hoe vàng vì dãi nắng nhiều.

Rồi Hiền cũng được ông bà cho đi học, cũng được mặc những bộ cánh đẹp, tung tăng cùng bè bạn tới trường. Thế nhưng chỉ được vài năm, mặc cảm về thân phận của mình, Hiền không còn ham tới trường nữa. Nhớ lại ngày ấy, Hiền bảo tại cô là dân miền biển, mà người làng chài thì không coi trọng sự học hành lắm. Con gái lại càng ít bị áp lực học hành.

Quanh năm sống trông chờ vào sự thất thường của biển cả, người làng chài chỉ muốn sinh được nhiều con trai. Họ cho rằng, có con trai là có người đi biển, đồng nghĩa với việc đem được nhiều cá to, tiền của về nhà. Còn con gái chỉ là sinh “máy đẻ”, sinh con gái giống như tạo “lao công” cho thiên hạ, chưa kể tốn tiền nuôi dạy. Chính vì thế mà con gái như Hiền được ăn học tới lớp 7 là tốt lắm rồi. Cô nghỉ học, ông bà ngoại cũng chẳng phản đối, chỉ bảo cô chịu khó ở nhà, học nấu nướng, đến tuổi thì lấy chồng cho người già hoàn thành bổn phận.

Sự đời, cái gì cũng có hai mặt của nó. Được ông bà chiều chuộng từ nhỏ nên càng lớn Hiền càng ích kỷ. Ngoài nhu cầu bản thân, Hiền chẳng nghĩ đến ai và càng được đáp ứng thì càng lấn lướt. Ban đầu chỉ là những bộ quần áo đẹp, dần dần, Hiền hay mè nheo xin tiền ông bà để đi chơi. Cô đàn đúm, giao du với những người bạn cùng lứa tuổi ở làng bên, lang thang với đám trai làng xã khác, đến khi giật mình thì đã trở thành gái “đú”, gái bao, qua đêm với không biết bao người.

Không dám quay đầu nhìn lại vì mặc cảm và sợ hãi, Hiền cứ bơi theo dòng chảy của sự ăn chơi, đùa bỡn với nhan sắc và tuổi trẻ, để rồi một ngày chợt nhận ra mình là con nghiện nhiều thứ. Hiền nghiện chơi bời, mua sắm, nhưng kinh khủng nhất là cô có tính mê “hơi trai” và thèm ma túy. Hai thứ này, cái nọ “nuôi” cái kia, để Hiền có thể “phiêu” cả khi mê lẫn tỉnh.

Như một nghiệp chướng của cuộc đời, càng bán dâm nhiều thì nhan sắc càng xuống cấp và “hàng” càng mất giá thì thu nhập cũng vì thế mà bập mõm đi. Để có tiền mua ma túy, Hiền không còn cách nào khác ngoài việc hành nghề bán lẻ ma túy. Một chiếc bàn nhỏ, vài cái ghế nhựa cùng dăm hộp kẹo cao su, ít chai nước ngọt, vậy là Hiền có được một quán nước di động ngoài bãi biển. Nhưng bán nước chỉ là bình phong để Hiền giao dịch buôn bán ma túy và tiện thể kiêm luôn việc bán dâm.

Đi đêm lắm có ngày gặp ma, năm 2009, Hiền bị bắt quả tang khi đang bán ma túy cho con nghiện và cô phải trả giá bằng mức án 2 năm tù, thi hành án tại trại giam Thanh Phong. Bước chân vào tù khi mới 19 tuổi, lần đầu tiên, Hiền mới biết thế nào là lao động, khi được quản giáo phân công cải tạo tại đội trồng mía.

Bến đậu không ngờ

Đời người chẳng ai đếm được hết những cuộc gặp gỡ. Có những cuộc gặp gỡ chỉ thoáng qua một lần rồi chẳng bao giờ có lần thứ 2. Song cũng có những cuộc trò chuyện sẽ khiến người ta lưu luyến mãi. Lần gặp Hiền ở trại giam, cô đang theo học lớp xóa mù với quyết tâm nhỏ nhoi là nhớ được cách viết đúng họ tên của mình. Cứ tưởng mục đích của Hiền là để giết thời gian, không thì cũng gọi là đặt ra một cái mốc để phấn đấu, hóa ra, nó lại có một lý do thầm kín. Thời gian ở tù, Hiền đã có nơi chốn để hy vọng. Ước muốn viết được tên mình của cô là để có ngày được ký vào tờ giấy đăng ký kết hôn, thay vì việc phải điểm chỉ trong bẽ bàng.

Theo lời Hiền kể, người chồng của cô hiện nay là một thanh niên cùng xóm, hiền lành và chăm chỉ. Ngày còn nhỏ, mỗi khi đi qua nhà anh, Hiền thường cất tiếng trêu chọc bởi anh có một đặc điểm là “chân tươi, chân héo”. Con trai làng chài, xấu không thành vấn đề mà cần nhất là khỏe mạnh để còn ra khơi, kéo lưới. Anh không có được may mắn lành lặn nên chỉ quanh quẩn ở nhà và những đứa trẻ tinh nghịch như Hiền thì chẳng bao giờ bỏ qua dịp trêu chọc hay đàm tiếu.

Hiền bảo, ngày còn con gái, cô chẳng bao giờ nghĩ có ngày mình gá nghĩa với người đàn ông tật nguyền này, vì cho rằng sống với người lành lặn còn chẳng ăn ai nữa là... Nhưng khi đã hư hỏng, Hiền lại thấy người đàn ông có bước đi tập tễnh, kiếm sống bằng chiếc quán nhỏ khiêm tốn đầu xóm này sao mà cao vời vợi, phẩm hạnh như cô không thể với tới. Ý nghĩ mặc cảm về quá khứ không ra gì ấy đã khiến Hiền bàng hoàng đến nỗi không thể tin vào mắt mình khi lần đầu tiên được thông báo có người thân thăm gặp.

Cứ nghĩ sẽ được nhìn thấy tấm lưng còng của bà ngoại, trong lòng Hiền dâng lên nỗi ân hận, cô dự định sẽ nói lời xin lỗi bà. Nhưng cô sững người khi thấy anh hiện diện cùng bà. Bước chân Hiền bỗng thấy ngập ngừng, một cảm giác sượng sùng xen lẫn ngạc nhiên dâng đầy trong mắt. Trong khi Hiền ngỡ ngàng vì không tin đó là sự thật thì anh cứ tự nhiên hỏi chuyện, như thể đôi bạn thân lâu ngày không gặp. Đến lúc đó, cô mới nhận ra ngoài khiếm khuyết thể hiện qua từng bước đi, anh có khuôn mặt khá điển trai.

Rồi Hiền bắt đầu nhớ lần gặp gỡ với những câu nói trao đổi chẳng đâu vào đâu ấy. Trong sâu thẳm, Hiền mong được anh đến thăm lần nữa. Cô muốn được anh hỏi chuyện, chỉ đơn giản là để nghĩ rằng mình chưa đến nỗi vứt đi. Có những khi rỗi rãi, cô đã vu vơ nghĩ tới ngày mãn hạn trở về sống cuộc đời hoàn lương, tới chuyện có một đàn con với người đàn ông tật nguyền, để rồi bẽ bàng khi tỉnh mộng. Hiền lo lắng, băn khoăn không biết khi ra trại sẽ làm gì kiếm sống để nuôi mình và phụng dưỡng ông bà già yếu. Cô sợ ngày trở về.

Có lẽ đã từng trải qua những thời gian khó khăn nhất, khi bị mọi người đem ra trêu đùa, nên dường như, anh hiểu tâm trạng của Hiền. Tháng nào anh cũng vào thăm cô. Quà đem theo có khi chỉ là mấy củ khoai luộc hay vài con cá khô, nhưng với Hiền, nó đầy ý nghĩa bởi đấy là món đặc sản của vùng biển Hải Hòa, như nhắc cô đừng quên nơi chôn rau cắt rốn và quan trọng hơn là sự quan tâm của anh. Những lời động viên, sự quan tâm của anh đã nhen nhóm trong cô gái một thời lầm lỡ niềm tin vào cuộc sống, gieo vào cô một sự tự tin cho ngày trở về.

Hiền bảo, cô đã bật khóc nức nở khi lần vào thăm cuối cùng, anh bảo thương Hiền từ cái ngày cô ra thành phố theo đám bạn trai, khi quay về với mái tóc nhiều màu. Nhiều lần, anh muốn bảo Hiền đừng u mê bắt bóng vì họ không thật lòng với cô nhưng rồi không dám vì mặc cảm với hình thể xiêu vẹo của mình.

Đầu năm 2011, sau 3 năm ăn cơm trại giam, Hiền được tha trước thời hạn. Đón cô trở về, không chỉ có bà ngoại còn có một chàng trai làng với dáng đi khập khiễng. Họ không nói với nhau nhiều nhưng ánh mắt thì chan chứa yêu thương. Hiền thông báo đám cưới của cô được tổ chức sau đấy vài tháng và giờ cô đã có một niềm vui nho nhỏ ấy là làm “phu nhân” của ông chủ quán tật nguyền và một mầm sống đang thành hình trong bụng.

Với những người con gái có nhan sắc như Hiền, việc cưới người chồng tật nguyền thật khập khiễng. Nhưng với Hiền, đó lại là hạnh phúc bất ngờ, điều mà cô không nghĩ mình sẽ có được và là điểm tựa để cô tự tin sống cuộc đời lương thiện. Hiền bảo, cô không mơ gì hơn cuộc sống hiện tại, dẫu biết rồi đây có thể sẽ còn nhiều gian khó, đôi khi là thiếu thốn. Nhưng với một phụ nữ đầy tì vết như Hiền, ở một vùng quê còn nặng thành kiến, thì còn gì ao ước hơn. “Em sẽ đoạn tuyệt hẳn với quá khứ để yêu chồng và chăm nom con cái” - Hiền sôi nổi khi nói những câu cuối với tôi qua điện thoại, giống như một lời hứa cùng bản thân - “Với em bây giờ, tài sản quý giá nhất là anh ấy đấy”.