Tư duy & hành động trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (1): Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng tạo động lực cho giai đoạn cách mạng mới

ANTD.VN - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là mốc son chói lọi trong lịch sử hào hùng 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam văn hiến và anh hùng, là bước ngoặt lớn trong lịch sử cách mạng nước ta. Đảng khởi xướng và lãnh đạo công cuộc đổi mới nhằm chấn hưng đất nước. Đổi mới là một thời kỳ cách mạng làm biến đổi diện mạo và thân phận của dân tộc ta trong thời đại mới. Đảng Cộng sản Việt Nam đã thể hiện quyết tâm ấy qua các Nghị quyết của 10 kỳ Đại hội Đại biểu toàn quốc (kể từ sau khi thống nhất đất nước đến nay). Nhưng để biến Nghị quyết, Cương lĩnh thành hiện thực thì Đảng không bao giờ được quên lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng: “Phải biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của nhân dân”.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm

3/4 thế kỷ đã trôi qua, song lời hiệu triệu cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vang vọng núi sông; tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Người vẫn thôi thúc hàng triệu, hàng triệu trái tim người Việt Nam lao động hăng say và sẵn sàng xả thân bảo vệ Tổ quốc.

Lời kêu gọi chống giặc ngoại xâm cứu nước xuất hiện đúng thời điểm đất nước lâm nguy, như lời hiệu triệu thiêng liêng, động viên toàn dân tộc đồng tâm, nhất trí, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tiến lên giành chiến thắng. Chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đã thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử. Đây là chân lý bất hủ, là “bảo vật quốc gia” có giá trị soi đường và mãi tỏa sáng cùng dân tộc ta.

Vài lời gợi nhớ lại quá khứ vàng son để thấy, những lời hiệu triệu vào những thời khắc lịch sử như tiếng gọi của non sông, là một tác phẩm mang tầm vóc chiến lược đã hoạch đường chỉ lối cho toàn dân, toàn quân ta. Dân tộc Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm giữ vững nền hòa bình, độc lập của dân tộc; nỗ lực xây dựng và phát triển đất nước để có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Gần 80 năm đã trôi qua, lời kêu gọi ngày đó vẫn còn vang vọng, thôi thúc và tiếp thêm sức mạnh cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững bước, vững tin vào thắng lợi trên con đường đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, nó là bài học về khơi dậy, tập hợp và phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự, nhất là bài học đoàn kết, đồng lòng vì sự hòa bình, thịnh vượng hôm nay.

Sống trong thời đại Hồ Chí Minh, nay, đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt và đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn phát triển nóng bỏng, đất nước hơn tất thảy tiếp tục cần phải - buộc phải đổi mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn Cách mạng mới. Vang vọng đâu đó trong hào khí dân tộc ta lúc này lại xuất hiện những lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Tô Lâm nhằm khơi dậy tinh thần tự chủ, tự tin, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Dễ dàng tìm đọc, xem thấy mỗi khi Tổng Bí thư Tô Lâm xuất hiện, đăng đàn, tiêu biểu nhất là tại Lễ khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngay những lời phát biểu đầu tiên, người đứng đầu Đảng ta đã yêu cầu: “Khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết nhiều vấn đề quan trọng khác của đất nước, tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Tôi đề nghị phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, đổi mới, bứt phá hoàn thành xuất sắc trọng trách của mình, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết phấn đấu, sớm xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn dân tộc”.

Sau kỷ nguyên độc tập - tự do - xây dựng chủ nghĩa xã hội là đến kỷ nguyên đổi mới, và nay là thời điểm “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm luận giải, kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại.

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh.

Một chương mới trong lịch sử đất nước đã bắt đầu, lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng ta đã hiện hữu, muốn đi đến thành công, phải thay đổi tư duy và hành động, là sứ mệnh của những việc cần làm ngay!

Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại.

Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm

Trong hơn 94 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền - đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đạt đến kỳ tích khác.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng lãnh đạo cần phải có: “Chính sách đúng đắn”. Ở đây cần hiểu đó là Cương lĩnh chính trị, định hướng, chủ trương dẫn dắt xã hội đi tới một mục tiêu được xác định là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. “Năng lực lãnh đạo”, nghĩa là Đảng phải chăm lo xây dựng, phát triển tổ chức, đội ngũ để có những đảng viên, cán bộ đủ khả năng, đáp ứng được yêu cầu thực thi ý chí chính trị của Đảng thành kết quả hiện thực của phong trào. “Có phép dùng đúng người”, nghĩa là Đảng phải là nơi phát hiện, chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đúng nhân tài để phục vụ cho đất nước, như Người từng nói: “Biết cách đối đãi” và “nuôi dạy” để “nhân tài ngày càng nảy nở”. Có chính sách đúng, phép dùng người đúng là mấu chốt của phương thức lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội trong tình hình hiện nay của Đảng.

Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo chủ chốt: Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Dứt khoát phải đổi mới, đổi mới để tiến lên

Từ đòi hỏi khách quan từ thực tiễn của từng thời kỳ cách mạng, thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng luôn quan tâm đổi mới phương thức lãnh đạo đối với hệ thống chính trị, coi đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vừa là yêu cầu khách quan, vừa là nhiệm vụ xuyên suốt, lâu dài, phải tiến hành thường xuyên để bảo đảm vai trò lãnh đạo, cầm quyền. “Đổi mới” để “Tiến lên”, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang đứng trước kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” của Tổng Bí thư Tô Lâm, người đứng đầu Đảng ta một lần nữa nhấn mạnh: “Đây là thời điểm cấp bách phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên”.

Đổi mới để tiến lên, muốn tiến lên phải đổi mới. Bởi Đảng ta là văn minh và sẽ mãi mãi “Đảng là đạo đức, là văn minh” bởi vì Đảng luôn ý thức được rằng, điều kiện để đảm bảo cho tính tất yếu lịch sử của vai trò cầm quyền và lãnh đạo xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam là luôn luôn đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Đảng lãnh đạo là tất yếu. Thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn Đảng là tất yếu. Cả hai điều đều tất yếu như nhau! Để thể hiện quyết tâm phấn đấu làm cho Đảng ta ngày càng xứng đáng là đạo đức, là văn minh, ngay từ Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi: “Tiếp tục tự đổi mới, tự chỉnh đốn Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm trí tuệ cao, có phương thức lãnh đạo khoa học, luôn gắn bó với nhân dân”.

Đất nước đang bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh bước tiến lên cùng nhân loại

Tuy nhiên, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ ra: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Vẫn còn tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, trùng lắp, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế. Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. Mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh. Mô hình tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn những bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý khó phân định, dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng. Cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong Đảng còn chậm; hội họp vẫn nhiều…”. Nhìn thẳng và chỉ rõ tại sao? Bởi vì sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới của dân tộc, của nhân dân thì luôn luôn vận động, phát triển để phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. Muốn vậy, phải nhìn thẳng vào cái cũ, chỉ rõ những thiếu sót, nhược điểm, hạn chế, từ đó mới có giải pháp để khắc phục, có kế sách để thay đổi, chiến lược để đổi mới. Trước tiên chính là đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của mình, để Đảng luôn trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử là lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi tới bến bờ thắng lợi. Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhìn nhận: “Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã viện dẫn câu nói của V.I.Lênin: “Khi tình hình thay đổi và chúng ta phải giải quyết nhiệm vụ thuộc loại khác thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua”. Giờ đây, nhiệm vụ chúng ta đã khác. Và chúng ta nhìn vào quá khứ, sử dụng những cái đã ở trong quá khứ vốn là một thời đại rất khác. Như vậy thì buộc lòng Đảng muốn dẫn dắt dân tộc ở trong giai đoạn mới như thế này dứt khoát phải đổi mới, và phải có phương thức lãnh đạo, cầm quyền mới, đổi mới hơn nữa”.

Ở giai đoạn hiện nay, Đảng đang tiến hành tổng kết một số vấn đề lý luận, thực tiễn qua 40 năm đổi mới, quả thật có cả những kết quả thành công và bài học chưa thành công, đặc biệt là về công tác xây dựng Đảng, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm ra đời rất kịp thời, điểm nhấn trong thời đại mới, thời kỳ mới, để minh chứng cho việc chúng ta không thể tư duy, hành động và sử dụng công cụ cũ khi đất nước ta bước vào giai đoạn vươn mình. Tiến sĩ Nguyễn Đình Tân, nguyên Hiệu trưởng trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (Hà Nội) nhận định, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định rõ tầm quan trọng và định hướng mang tính chiến lược của đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta để đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn lịch sử, đưa đất nước bước vào giai đoạn mới - kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. “Từ khái niệm “đảng cầm quyền” lần đầu tiên được V.I. Lênin nêu ra năm 1922, từ những năm 1925-1927, trong cuốn “Đường Kách mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu về “đảng cầm quyền”. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng được xây dựng trên cơ sở lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và được khẳng định tính đúng đắn, tất yếu qua thực tiễn cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước ta đã hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và đạt được những thành tựu to lớn, vĩ đại về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, vị thế đất nước trên trường quốc tế trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước như hiện nay. Trước yêu cầu đổi mới, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh đến yêu cầu “thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng”. Đây là yêu cầu mang tính tiên quyết, đặc biệt quan trọng đối với Đảng ta trong giai đoạn hiện nay. Vị trí lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cũng như vai trò hạt nhân của Đảng trong hệ thống chính trị đã được khẳng định trong Hiến pháp cũng như trong thực tiễn đời sống chính trị đất nước. Đảm bảo yêu cầu “thống nhất nhận thức” thể hiện sự đoàn kết, thống nhất không chỉ trong Đảng mà còn thể hiện sự đồng lòng, nhất trí của toàn dân về vai trò lãnh đạo, nhân tố quyết định cho sự nghiệp cách mạng nước ta trong giai đoạn lịch sử mới. Đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong giai đoạn mới vừa góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, vừa thể hiện vai trò, vị trí của Đảng trong đời sống chính trị, xã hội; khẳng định sự tất yếu Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; sự trung thành tuyệt đối với mục tiêu cao cả của Đảng luôn hướng tới lợi ích của nhân dân vì sự phát triển thịnh vượng của đất nước” - Tiến sĩ Nguyễn Đình Tân, nguyên Hiệu trưởng trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong chia sẻ.

Tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân thực hiện Nghị quyết của Đảng

Để Đảng Cộng sản Việt Nam mãi là “người cầm lái vĩ đại”…

Thực tiễn lịch sử đã minh chứng hùng hồn, từ đầu thế kỷ XX tới nay, mặc dù có lúc mắc sai lầm, khuyết điểm, nhưng nhìn xuyên suốt quá trình phát triển cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc. Đảng ý thức rõ sứ mệnh của mình trước đất nước, tự thấy những hạn chế, khuyết điểm của mình nên đã tiến hành chỉnh đốn và đổi mới.

Đầu tiên, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Tình trạng ban hành nhiều văn bản, một số văn bản còn chung chung, dàn trải, trùng lặp, chậm bổ sung, sửa đổi, thay thế. Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng không khả thi…”. Thực tế, người đứng đầu Đảng ta yêu cầu thống nhất nhận thức và thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo thông qua hệ thống chính trị mà Đảng là hạt nhân; lãnh đạo bằng tư tưởng, đường lối, chính sách và sự tiên phong gương mẫu, thường xuyên tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên; bằng thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước; sự vận động, thuyết phục nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, giới thiệu đại biểu ưu tú vào bộ máy Nhà nước và thông qua công tác kiểm tra - giám sát. Đảng cầm quyền bằng pháp luật, lãnh đạo định ra Hiến pháp và pháp luật, đồng thời hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Cán bộ, đảng viên của Đảng chấp hành, “thượng tôn” pháp luật. Đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước; quyền lực của đảng cầm quyền là quyền lực về chính trị, đề ra chủ trương, đường lối, còn quyền lực nhà nước là quyền lực quản lý xã hội trên cơ sở pháp luật. Sự lãnh đạo của Đảng để đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, Nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân. Đảng lãnh đạo toàn diện đất nước và chịu trách nhiệm về mọi thành công, thiếu sót trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Vấn đề quan trọng này có tính mấu chốt. Theo PGS.TS Trần Đình Huỳnh, nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong bài viết “Vào Đảng để làm gì?” đã đề xuất những việc cần làm ngay, đó là: “Hệ thống, soát xét lại tất cả những văn bản đã ban hành để xem đâu là “những kẽ hở” của cơ chế, tổ chức, của kỷ luật đảng và pháp luật Nhà nước cần khắc phục. Từ đó bãi bỏ những quy định đã lạc hậu và bổ sung, ban hành những văn bản mới. Đồng thời, nghiêm khắc kiểm tra, giám sát xem đâu là chỗ thi hành sai hay cố tình làm ngơ không chấp hành đúng những quy định đã có. Trong chính sách cán bộ, bố trí, sử dụng đúng những người có năng lực, hết lòng vì dân, vì nước, khuyến khích những người năng động, sáng tạo, có sáng kiến, có ý tưởng mới, tâm huyết với đất nước vào các chức vụ trong cơ quan Nhà nước các cấp… Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh, phải thật quang minh, chính đại và pháp luật của Nhà nước phải chặt chẽ, các chế tài phải đủ mạnh để ngăn ngừa và trừng trị những kẻ vi phạm. Hơn bất cứ lúc nào, khẩu hiệu “mọi đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật Đảng” và “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật” cần phải được đề cao, phải thực hiện kiên quyết ở các cấp, các ngành. Từ đó không để cho ai có ảo tưởng rằng đã là đảng viên, là cấp ủy viên thì sẽ được ưu ái, chiếu cố hơn những người ngoài Đảng”.

Chưa hết, để cải tiến một cách tổng thể phương thức lãnh đạo của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm ngoài việc chỉ rõ hiện trạng còn trực tiếp đưa ra những giải pháp: Tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, bộ “tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan Nhà nước. Trong đó, nghiên cứu, đẩy mạnh việc hợp nhất một số cơ quan tham mưu, giúp việc của Đảng; sớm đánh giá toàn diện việc kiêm nhiệm chức danh của Đảng và hệ thống chính trị để có quyết sách phù hợp. Bảo đảm nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý; phân biệt và quy định rõ nhiệm vụ cụ thể của các cấp lãnh đạo trong các loại hình tổ chức đảng, tránh tình trạng bao biện làm thay, hoặc tồn tại song trùng, hình thức. Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng. Nghị quyết của các cấp ủy, tổ chức đảng phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ tiếp thu, dễ thực hiện, xác định đúng, trúng yêu cầu, nhiệm vụ, con đường, cách thức phát triển của đất nước, của dân tộc, của từng địa phương, từng bộ, ngành; phải có tầm nhìn, tính khoa học, tính thực tiễn, thiết thực và tính khả thi; tạo sự phấn khởi, tin tưởng, kỳ vọng và động lực thôi thúc hành động của cán bộ, đảng viên, các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và nhân dân thực hiện Nghị quyết của Đảng. Xây dựng các chi bộ cơ sở vững mạnh, có tính chiến đấu cao, có năng lực đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống; đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở đảng, bảo đảm hoạt động sinh hoạt chi bộ thực chất, hiệu quả. Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng. Ban hành quy định phân cấp thẩm quyền kiểm tra, giám sát gắn với phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi lợi dụng kiểm tra, giám sát để tham nhũng, tiêu cực…

Tiến sĩ Nguyễn Đình Tân, nguyên Hiệu trưởng trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đánh giá: “Thực tiễn cho thấy chính nhờ đổi mới mà Đảng ta tiếp tục dẫn dắt dân tộc ta. Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để đưa ra tầm nhìn và dẫn dắt. Nếu để ý xuyên suốt các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ thấy, người đứng đầu Đảng ta liên tục nhắc đến hai chữ “đổi mới”, vậy muốn đổi mới thì phải thay đổi cả tư duy lẫn hành động. Đổi mới phương thức lãnh đạo…; đổi mới mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc…; đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng…; đổi mới công tác kiểm tra, giám sát… Thời đại thay đổi, các yêu cầu thay đổi thì rõ ràng tầm nhìn phải thay đổi, đó là điều đương nhiên phải xảy ra để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới - để Đảng Cộng sản Việt Nam mãi mãi là “người cầm lái vĩ đại”. Hiện thực này đúng với chân lý, khi cách mạng đã chuyển giai đoạn, Đảng lãnh đạo càng phải tự nâng mình lên ngang tầm những yêu cầu mới của lịch sử”. Thực tiễn đổi mới luôn vận động, phát triển, đòi hỏi đổi mới không ngừng phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trên cơ sở kiên định các nguyên tắc của Đảng”.

* * *

Đảng Cộng sản Việt Nam đã quang vinh trong quá khứ, càng hiển hách trong hiện tại, xứng đáng với lòng tin, sự hy vọng, mong mỏi, đợi chờ của nhân dân, dân tộc mãi mãi dành cho Đảng. Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Chúng ta cần phải biết rằng, những thắng lợi mà chúng ta đạt được mới chỉ là bước đầu tiên trên đường đi muôn dặm”. Trên đường đi của tương lai, Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã khẳng định: “Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết. Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước và Quốc hội”. Từ nhận định trên, chúng ta có thể khẳng định rằng, để giữ vững vai trò lãnh đạo của đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam cần phải cải tiến phương thức lãnh đạo, cầm quyền - đó là một trong những định hướng mang tính chiến lược - đó chính là cái cần thiết cấp bách nhất hiện nay của Đảng - đó cũng là đòi hỏi khách quan mang tính quy luật của lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh bước tiến lên cùng nhân loại.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là nguyện vọng của nhân dân

Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây có bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nhiều ý kiến cho rằng, bài viết đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng, bao quát về quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong mọi việc. Quan điểm của đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ việc tập trung xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là quy luật tất yếu, là nguyện vọng và sự lựa chọn của nhân dân, phù hợp với xu hướng phát triển Nhà nước trên thế giới.

Theo người đứng đầu Đảng ta, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế: Một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao; hệ thống pháp luật còn có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội, chậm được bổ sung, sửa đổi, thay thế. Cơ chế, chính sách, pháp luật chưa tạo dựng được môi trường thực sự thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn lực của các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như trong nhân dân. Trong 3 “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn” của “điểm nghẽn”, đặt ra yêu cầu cấp thiết phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

- Về quan điểm: Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

- Về giải pháp: Đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó: Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc; không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao Chính phủ, địa phương quy định để bảo đảm linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội; luật hóa các quy định của nghị định và thông tư. Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm thiểu thất thoát, lãng phí các nguồn lực; chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, “lợi ích nhóm”. Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (nhất là những vấn đề liên quan đến Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…) tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.

Từ việc cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng, đến phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa khẳng định sự cần thiết phải giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường khả năng linh hoạt, tương tác, đổi mới và đề cao trách nhiệm trước nhân dân. Từ đó nâng cao tính Đảng và hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của Nhà nước. Sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền không chỉ tập trung vào đường lối, chính sách; lãnh đạo thể chế hóa đường lối, chính sách thành pháp luật để quản lý Nhà nước và xã hội; mà còn lắng nghe hơi thở cuộc sống, bám sát thực tiễn đất nước, tiếp thu ý kiến của nhân dân nhằm bổ sung, hoàn thiện và đổi mới đường lối, chính sách của Đảng, đồng thời thể chế hóa thành pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vì con người, lấy con người làm trung tâm, cụ thể hóa phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Chìa khóa vàng mở ra kỷ nguyên mới Góc nhìn chuyên gia

Phương thức lãnh đạo là cách chỉ đạo, định hướng, nhằm đảm bảo tập thể phía sau thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả nhất. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, đổi mới phương thức lãnh đạo là một đòi hỏi thực tiễn qua từng thời kỳ cách mạng, là nhu cầu tự thân. Trong quá trình lãnh đạo, Đảng thường xuyên đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đưa dân tộc Việt Nam giành nhiều thành tựu, đất nước Việt Nam mở mang cơ đồ, tiềm lực và vị thế. Báo An ninh Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng - chuyên gia Quản trị công và chính sách, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng - chuyên gia Quản trị công và chính sách, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nhu cầu cấp bách để đưa đất nước tiến lên

- Phóng viên: Thưa Tiến sĩ, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng là vấn đề luôn được coi trọng ngay từ sau khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định lại chủ trương nhất quán này thông qua bài viết: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới”. Theo ông, lý do tại sao lúc này Đảng ta lại coi đây là yêu cầu cấp bách?

- Tiến sĩ Nguyễn Văn Đáng - chuyên gia Quản trị công và chính sách, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Nhìn lại những chặng đường cách mạng và phát triển của đất nước, trong hơn 94 năm qua Đảng ta đã không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đưa con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Vừa qua Tổng Bí thư Tô Lâm có nói, nước ta đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Do đó, đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang là một nhu cầu cấp bách. Người lãnh đạo cao nhất của Đảng cũng chỉ ra những công tác trọng tâm, bao gồm: Thống nhất nhận thức và thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; Tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước; Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; Xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng; Tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng.

Những vấn đề căn cốt trên có vai trò quyết định trong tiến trình đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, có thể coi là chìa khóa vàng đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Bài viết của Tổng Bí thư có ý nghĩa rất to lớn và quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi tính định hướng cho cán bộ, đảng viên, rộng hơn là toàn xã hội. Qua đó mọi người có thể hiểu được, nhận biết được quan điểm, góc nhìn, lăng kính của người đứng đầu Đảng. Nhất là khi chúng ta đang có những bước chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV.

Trong thực tiễn, qua mỗi kỳ đại hội, Đảng ta luôn kiểm tra, đánh giá lại phương thức lãnh đạo. Từ đó tiến hành bổ sung, hoàn thiện các phương thức lãnh đạo sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. Từ Đại hội VI Đảng đã khẳng định: “Quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học”. Nhận thức về phương thức lãnh đạo và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng ngày càng rõ hơn, cụ thể hơn, thể hiện qua Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam (bổ sung, phát triển năm 2011), sau đó là Đại hội XII (tháng 1-2016). Tại Hội nghị Trung ương 6 (khóa XIII), Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng từng nhấn mạnh: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, gắn với thực hiện cương lĩnh, điều lệ và các chủ trương, đường lối của Đảng, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo, bảo đảm thực hiện đúng cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.

Gần đây hơn, tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định là đất nước đang bước vào một thời kỳ mới, một kỷ nguyên mới, cho nên phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo của Đảng để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới.

- Để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nói một cách cụ thể hơn thì chúng ta sẽ bắt đầu như thế nào, thưa Tiến sĩ?

- Trong giai đoạn hiện nay, để tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo trước tiên cần thống nhất nhận thức và thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Tại sao lại như vậy? Bởi vì, như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói là “tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng”. Công tác tư tưởng, nhận thức, thái độ chính trị của đảng viên luôn được quan tâm hàng đầu. Với bất kỳ đảng chính trị nào thì nền tảng tư tưởng là yếu tố quan trọng nhất. Tư tưởng ảnh hưởng đến nhận thức, từ nhận thức sẽ ảnh hưởng đến ý thức, thái độ. Từ ý thức, thái độ ảnh hưởng đến hành vi. Bất kỳ đảng viên nào cũng cần rõ ràng về tư tưởng, thái độ chính trị, kiên định, trung thành với nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam. Đó là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những tư tưởng tiến bộ, đồng hành cùng nhân dân, dẫn dắt nhân dân đấu tranh giành độc lập, tự do và phát triển đất nước. Nhắc đến công tác tư tưởng cũng là duy trì truyền thống của lãnh đạo Đảng qua các thời kỳ. Đặc biệt là hiện nay bối cảnh trong nước và quốc tế đang có những biến động phức tạp. Trong đội ngũ cán bộ có nhiều cá nhân mắc phải sai phạm, dẫn đến việc bị xử lý kỷ luật, khởi tố. Những yếu tố này ít nhiều cũng tác động đến tư tưởng của đảng viên. Việc định hướng tư tưởng của đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, hàng đầu.

Thời gian qua công tác tư tưởng đã được chúng ta thực hiện thường xuyên. Thể hiện rõ nhất qua việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Công tác tư tưởng được triển khai đến từng cấp đảng, truyền thông rộng khắp thông qua các cơ quan tuyên giáo, cơ quan báo chí tới người dân. Theo tôi, giai đoạn này với sự phổ biến của mạng xã hội, nơi mà mỗi cá nhân tự do bày tỏ quan điểm, đăng tải thông tin thì những quan điểm, nhận thức lệch lạc được phổ biến nhanh chóng, dễ dàng tác động đến những cá nhân hạn chế về nhận biết. Do đó việc tuyên truyền rộng khắp, quyết liệt tư tưởng nền tảng của Đảng có tác động rất tích cực. Tôi lấy ví dụ như chúng ta giải thích vì sao lại kiên định con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội với hệ giá trị phát triển quyền con người, quyền tự do, quyền được giáo dục, quyền bình đẳng… Đây cũng là mục tiêu mà cả thế giới đang hướng tới. Quan điểm của Đảng là luôn hướng đến vì chất lượng cuộc sống con người, vì hạnh phúc của nhân dân.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động

Lấy con người làm trung tâm

- Bên cạnh việc cải tiến một cách tổng thể phương thức lãnh đạo của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm còn trực tiếp đưa ra các giải pháp như tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan Đảng, xây dựng các cơ quan tham mưu của cấp ủy thực sự tinh gọn. Tiến sĩ nhìn nhận giải pháp này như thế nào?

- Thực tế, quan điểm tinh gọn bộ máy đã xuất hiện từ Đại hội VII. Tới tháng 10-2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cho đến hiện nay, sau khi thực hiện, những kết quả đạt được thể hiện rõ qua việc giảm bớt đầu mối ở các đơn vị trung gian. Điển hình là Bộ Công an tiên phong đi đầu trong tinh gọn bộ máy tổ chức, tinh giản cấp Tổng cục; chúng ta cũng tổ chức sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, tinh giản biên chế ở các địa phương… Song song với đó, công tác cán bộ luôn được coi trọng. Ở các quốc gia đang phát triển, nhất là những nước có cấu trúc quyền lực tập trung và thống nhất thì luôn lấy con người làm trung tâm, có vai trò đặc biệt quan trọng. Con người tốt, cán bộ tốt thì công việc thuận lợi, hanh thông. Con người kém chuyên môn, kém đạo đức sẽ dẫn đến những việc làm không tốt, việc làm sai, để lại hậu quả đáng tiếc. Vì vậy Tổng Bí thư nhấn mạnh tầm quan trọng về con người, về công tác cán bộ, gọi đó là vấn đề “then chốt của then chốt”. Đó là nhận thức nhất quán của Đảng từ xưa đến nay và được Tổng Bí thư tái khẳng định lại thông qua bài viết như đã nói trên.

Tất nhiên, dù công tác cán bộ đã được đặc biệt coi trọng, nhưng trong nhiệm kỳ này ta phải chứng kiến rất nhiều vấn đề về chất lượng cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược. Chúng ta phải thừa nhận là có nhiều cán bộ cấp cao đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố. Điều đó cho thấy công tác cán bộ vẫn có những lỗ hổng, vô tình tạo điều kiện để người ta che đậy, để lọt những người có phẩm chất, tư cách, đạo đức không tốt, dẫn đến xảy ra câu chuyện “đứt gánh giữa đường”. Trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ này và sang nhiệm kỳ tới, Đảng ta cần những biện pháp làm tốt công tác cán bộ hơn nữa. Những người được lựa chọn phải đủ đức, đủ tâm, đủ tầm, đảm bảo không chỉ về năng lực, bản lĩnh mà còn phải đáp ứng về đạo đức, phẩm chất, tính trung thực… Bên cạnh đó, trước đây chúng ta đã để xảy ra tình trạng cơ quan đảng, người đứng đầu tổ chức đảng “lấn sân”, làm thay công việc của cơ quan Nhà nước. Vì thế trong bài viết Tổng Bí thư yêu cầu đảm bảo nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng không trùng với nhiệm vụ quản lý của Nhà nước, tránh tình trạng bao biện làm thay. Đảng chỉ thực hiện đúng vai trò lãnh đạo thông qua các phương thức lãnh đạo. Quyền lực của Đảng là quyền lực chính trị, còn quyền lực Nhà nước là quyền lực công, được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tế chưa có văn bản, quy định nào chỉ rõ ranh giới giữa nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, dẫn đến việc chồng chéo, nhầm lẫn. Mong rằng Đại hội XIV sắp tới sẽ có những quy định rõ ràng, giải thích, hướng dẫn cụ thể.

Kiên định con đường Chủ nghĩa xã hội gắn với hệ giá trị phát triển quyền con người, quyền tự do, quyền được giáo dục, quyền bình đẳng...

Mỗi đảng viên cần thực sự trở thành “tế bào” của Đảng

- Một trong những công tác hướng đến mục tiêu đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng là phải đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng, xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, để đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng. Nhưng thực tế có tổ chức, cơ sở đảng chưa coi trọng việc này, quan điểm của ông như thế nào, thưa Tiến sĩ?

- Đây là chỉ đạo kịp thời, mang tính thực tiễn cao. Chúng ta đều biết, về nguyên tắc Đảng luôn luôn quán triệt chặt chẽ tới đảng bộ các cấp. Ví dụ như sau mỗi Hội nghị Trung ương, Đảng đều tiến hành tổ chức học nghị quyết. Cán bộ cấp cao của Đảng trực tiếp đứng lớp, phổ biến nghị quyết tới đảng viên các cấp trên cả nước, tiếp đó phổ biến rộng rãi đến các tổ chức cơ sở đảng. Tuy nhiên khi xuống đến cấp dưới thì có lúc, có nơi xuất hiện những vấn đề không như mong đợi, hay triển khai mang tính chất hình thức, thậm chí là không triển khai. Để khắc phục hiện tượng này, tôi đề nghị trước mắt chúng ta có thể phụ thuộc hoàn toàn vào kênh Đảng. Đó là công tác kiểm tra, giám sát, cấp trên kiểm tra giám sát cấp dưới. Còn để bền vững, lâu dài thì những người đứng đầu tổ chức cơ sở đảng phải ý thức được việc quán triệt định hướng của Đảng là nhiệm vụ của người lãnh đạo, phải thực hiện một cách nghiêm túc. Nếu cho rằng việc phổ biến, thực hiện nghị quyết là công việc của cấp trên, của lãnh đạo cấp cao thì đó là nhận thức rất sai lầm. Mỗi đảng viên cần chủ động nghiên cứu, tiếp thu. Việc truyền tải, việc tiếp thu, thực hiện tốt nghị quyết tạo nên sự nhất quán trong nhận thức, từ đó nhất quán trong hành động.

Trong nhiệm kỳ XIII, công tác kiểm tra giám sát đã được Đảng thực hiện quyết liệt. Thể hiện nổi bật là vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, được dư luận rất chú ý, đồng thuận. Liên quan đến chất lượng, hiệu quả hiệu lực của kiểm tra, giám sát thì có nhiều vấn đề. Có vấn về liên quan đến quy định và công việc kiểm tra, giám sát có được thực hiện tốt hay không còn phụ thuộc vào những người thực hiện việc đó. Từ cấp thấp nhất là chi bộ, đơn vị cơ sở kịp thời phát hiện những dấu hiệu không tốt từ sớm để nhắc nhở, giáo dục đảng viên, nếu cần thì ban hành nghị quyết kiểm tra, giám sát. Ngoài ra, cần phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của nhân dân, làm tốt công tác dân vận, nhờ nhân dân phát giác những dấu hiệu bất thường của tổ chức đảng, đảng viên. Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận một cách khách quan phòng ngừa trường hợp vì tư thù cá nhân gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, đảng viên.

Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ số cũng là biện pháp hữu hiệu trong việc ban hành, quán triệt và thực hiện nghị quyết của Đảng, công tác quản lý đảng viên. Thời gian qua, các hội nghị, tập huấn trực tuyến đã thay thế dần cho phương thức hội họp trực tiếp truyền thống. Đảng bộ địa phương có thể quản lý, truyền tải chủ trương, quyết sách, định hướng của Đảng đến đảng viên thông qua sổ tay điện tử… Trong lĩnh vực quản lý xã hội, dịch vụ công, số hóa, chuyển đổi số cũng được Đảng, Nhà nước đặc biệt được coi trọng. Điều này không chỉ được thể hiện trong những chỉ đạo của Trung ương mà gần đây Tổng Bí thư đã có bài viết nói riêng về chủ đề này.

Những động thái đó khẳng định nhận thức của Đảng trong chuyển đổi số rất là rõ ràng, quyết liệt, coi chuyển đổi số là bước đột phá có thể giúp cho hệ thống chính trị nói chung, đặc biệt là hệ thống cơ quan Nhà nước, hành chính công vụ hoạt động hiệu quả, thông suốt, phục vụ nhân dân tốt hơn.

- Cùng với việc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, nhiệm vụ phát triển nền kinh tế và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền cũng được Đảng rất quan tâm, phải vậy không, thưa Tiến sĩ?

- Đúng vậy! Bên cạnh công tác Đảng thì việc xây dựng Nhà nước cũng là nhiệm vụ quan trọng. Tôi nhớ Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định việc này trong bài viết “Phát huy tính đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Trong bài viết, Tổng Bí thư đã đưa ra tầm nhìn bao quát về quá trình xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với mọi lĩnh vực. Cần lưu ý, đây là lần hiếm hoi Tổng Bí thư sử dụng cụm từ “tính đảng” trong bài viết của mình. Theo tôi hiểu, tính đảng ở đây là trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền phải phản ánh đúng quan điểm đường lối, đúng chủ trương, con đường mà Đảng đã đề ra, đảm bảo sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng. Nhà nước của chúng ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Trong đó nhấn mạnh 3 yếu tố Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

Bài viết này đã có những phân tích, lý giải sâu sắc, dễ hiểu để mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng hiểu hơn về tính đảng trong việc xây dựng Nhà nước. Thượng tôn pháp luật là nguyên tắc cơ bản của một Nhà nước pháp quyền, nơi mà mọi hoạt động phải được điều chỉnh và giám sát bởi pháp luật. Đảng lãnh đạo bằng đường lối, nhưng Chính phủ cần liên tục đề xuất, Quốc hội đóng vai trò chủ đạo bảo đảm hệ thống pháp luật ban hành đáp ứng được các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Pháp luật cần liên tục điều chỉnh kịp thời để đáp ứng những thay đổi của xã hội và phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phát huy dân chủ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân…

(Còn nữa)

Tin cùng chuyên mục