Về trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau, theo Điều 29, Luật BHXH năm 2014, sau khi nghỉ hết thời gian hưởng chế độ ốm đau tối đa trong năm, trong 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì người lao động sẽ được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 5-10 ngày/ năm. Thời gian nghỉ này bao gồm cả ngày lễ, Tết và nghỉ hàng tuần.
Trong thời gian nghỉ này, người lao động sẽ không được doanh nghiệp trả lương nhưng thay vào đó, sẽ được cơ quan BHXH thanh toán tiền chế độ.
Do tiền chế độ dưỡng sức sau ốm đau được tính dựa trên lương cơ sở nên khi lương cơ sở tăng, tiền trợ cấp cũng tăng theo.
Cụ thể, mức trợ cấp dưỡng sức sau ốm đau/ngày = 30% x Mức lương cơ sở. Do vậy, từ 1-7, mức trợ cấp này sẽ lên tới 540.000 đồng/ ngày (trước đó là 447.000 đồng/ ngày).
Khi lương cơ sở tăng, các khoản trợ cấp bảo hiểm xã hội sẽ tăng theo |
Với trợ cấp 1 lần khi sinh con, theo Điều 38, Luật BHXH 2014, lao động nữ tham gia BHXH mà sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi được hưởng trợ cấp 1 lần. Loại trợ cấp này cũng được cơ quan BHXH tính toán dựa trên lương cơ sở (trợ cấp 1 lần/con = 2 x Mức lương cơ sở). Do đó, từ 1-7, khi lương cơ sở tăng kéo theo trợ cấp 1 lần khi lao động nữ sinh cũng tăng, lên tới 3,6 triệu đồng/con (trước đó là 2,98 triệu đồng).
Bên cạnh đó, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản cũng tăng theo. Khoản 3, Điều 41, Luật BHXH năm 2014 nêu rõ, lao động nữ ngay sau thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khoẻ chưa phục hồi thì sẽ được xem xét giải quyết nghỉ chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản từ 5-10 ngày. Thời gian nghỉ này bao gồm cả ngày nghỉ lễ, Tết và nghỉ hàng tuần.
Trong thời gian nghỉ dưỡng sức, dù không được doanh nghiệp trả lương nhưng người lao động sẽ được cơ quan BHXH thanh toán tiền chế độ theo công thức: Mức trợ cấp dưỡng sức sau thai sản/ ngày = 30% x Mức lương cơ sở.
Do vậy, từ 1-7, mức hưởng chế độ dưỡng sức sau thai sản của người lao động sẽ lên tới 540.000 đồng/ ngày.
Đối với trợ cấp 1 lần khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, theo Điều 48, Luật An toàn, vệ sinh lao động, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5-30% do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được nhận trợ cấp 1 lần.
Mức trợ cấp bao gồm 2 khoản tiền: Khoản trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động; Khoản trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Trong đó, chỉ có phần trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động được tính theo lương cơ sở với công thức sau: Trợ cấp = 5 x Mức lương cơ sở + (Tỉ lệ % suy giảm lao động - 5) x 0,5 x Mức lương cơ sở.
Như vậy, khi lương cơ sở tăng, phần trợ cấp 1 lần tính theo mức độ suy giảm lao động cũng sẽ tăng.
Ngoài ra, khi lương cơ sở tăng, trợ cấp hàng tháng khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Trợ cấp phục vụ cho người bị tai nạn; Trợ cấp 1 lần khi chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Trợ cấp dưỡng sức sau điều trị thương tật, bệnh tật; Trợ cấp mai táng khi người lao động chết; Trợ cấp tuất hàng thàng cũng tăng theo…