Từ 1-1-2022: Thẩm quyền xử phạt hành chính của công an nhân dân thay đổi ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có hiệu lực từ 1-1-2022, thẩm quyền của công an nhân dân trong xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 39 Luật này có nhiều điểm mới đáng chú ý.

Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 nêu rõ, chiến sĩ CAND đang thi hành công vụ có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 1% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng không quá 500.000 đồng.

Thủ trưởng đơn vị CSCĐ cấp đại đội, Trưởng trạm, Đội trưởng của người được quy định tại khoản 1 Điều 39 có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 3% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng không quá 1.5 triệu đồng.

Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động, Thủy đội trưởng có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 5% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng không quá 2.5 triệu đồng;

Ngoài ra, Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn công an…còn có quyền tch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản 3 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c và đ khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Từ 1-1-2022: Thẩm quyền xử phạt hành chính của công an nhân dân có nhiều thay đổi (ảnh minh họa)

Từ 1-1-2022: Thẩm quyền xử phạt hành chính của công an nhân dân có nhiều thay đổi (ảnh minh họa)

Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông; Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động…có quyền:

Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 20% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng không quá 25 triệu đồng; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá 2 lần mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản 4 Điều 39 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ và k khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Giám đốc Công an cấp tỉnh có quyền: Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến 50% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;

Giám đốc Công an cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ, i và k khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Cục trưởng Cục An ninh kinh tế, Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội…có quyền:

Phạt cảnh cáo; Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn;

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, c, đ, i và k khoản 1 Điều 28 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại khoản 6 và có quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.