Trưởng thành hành trình “ươm mầm” tri thức

ANTĐ - Sáng 18-11, Thiếu tướng Lưu Quang Hợi - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc CATP Hà Nội, thay mặt Ban Giám đốc CATP đã đến thăm, tặng hoa chúc mừng cán bộ, chiến sỹ, giáo viên, học viên Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ CATP Hà Nội nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và 7 năm Ngày thành lập Trung tâm (18-11-2007/18-11-2014)

Ảnh: Thuần Thư

Gần ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng tôi đến Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ CATP (nằm trên địa bàn quận Hà Đông), địa chỉ mà CBCS Công an Hà Nội gọi một cách thân thuộc “tòa tháp đôi”. Thực sự vui mừng, Công an Hà Nội được lãnh đạo Bộ Công an và các cấp có thẩm quyền quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng CBCS trong lực lượng công an, đội viên bảo vệ dân phố, dân phòng… quy mô nhất nhì toàn quốc. Gặp Đại tá Phạm Ngọc Bích - Giám đốc Trung tâm khi ông đang chậm bước trong khuôn viên, nghe câu chuyện trong những ngày ý nghĩa đối với công việc “rèn người”, càng cảm nhận rõ được sự trưởng thành ở đơn vị đặc biệt này của Công an thành phố.

Tiền thân, một bộ phận cán bộ Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ CATP, từng công tác ở trường nội trú dạy nghề số 1 (nằm ở phố Tựu Liệt, huyện Thanh Trì), chuyên trách quản lý, giáo dưỡng trẻ em hư vi phạm pháp luật. “Tâm huyết có, tình yêu nghề luôn dồi dào, nhưng sự chuyển đổi mô hình, chức năng là cả quá trình không hề đơn giản”, một cán bộ Trung tâm chia sẻ. Nhưng sự khó ấy, đội ngũ cán bộ Trung tâm không phải “đương đầu”, giải quyết một mình. Sự quan tâm, đặc biệt những chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP, cùng sự hỗ trợ trách nhiệm của các phòng nghiệp vụ, đã giúp Trung tâm, giúp đội ngũ cán bộ, nhân viên ngày càng “định hình”, yên tâm về công việc và từng bước gặt hái những kết quả.

Năm 2014 là đúng 7 năm Trung tâm chuyển đổi mô hình, đi vào hoạt động. Những khó khăn về cơ sở vật chất, về công tác cán bộ… không thể định lượng hết, song từng bước đã được tháo gỡ. Phải học việc từ công tác quản lý; xây dựng những quy chế, nguyên tắc làm việc theo đúng quy chuẩn của cơ sở đào tạo, huấn luyện; xây dựng cơ chế phối hợp đào tạo với các trường thuộc lực lượng CAND. “Từng phần việc, chúng tôi đều tranh thủ sự chỉ đạo, định hướng của Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP và đã dần tạo được đường ray, cứ thế vận hành, phát huy”, Đại tá Phạm Ngọc Bích chia sẻ.

Hành trình 7 năm và thực sự chuyển biến mạnh mẽ trong khoảng 3 năm trở lại đây, Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ CATP phối hợp với các đơn vị chức năng của CATP, các khoa, phòng thuộc các trường CAND, Học viện Hành chính quốc gia, đã tổ chức, quản lý các hoạt động dạy, học của 60 lớp học, hệ học với tổng số hơn 9.000 học viên. Các khóa đào tạo, huấn luyện công dân phục vụ có thời hạn trong CAND; khóa tập huấn nghiệp vụ - pháp luật cho lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, các công ty bảo vệ, vệ sỹ chuyên nghiệp… cũng đã và đang “xuất xứ” từ Trung tâm. 

Phối hợp trang bị kiến thức, mục tiêu quan trọng khác mà Ban Giám đốc và mỗi cán bộ của Trung tâm đề ra, là phải xây dựng, rèn chỉnh ý thức kỷ luật, chấp hành quy định, điều lệnh đối với từng học viên, khi tham gia học tập, đào tạo. Để làm được điều này, bên cạnh việc tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, không thể thiếu việc thực hiện nghiêm công tác quản lý học viên. Trung tâm thường xuyên trao đổi với đơn vị có cán bộ đi học, để xác minh, nắm tình hình. Những biểu hiện nhỏ nhất, như đi học, ra về đúng giờ, quần áo, giày dép đúng điều lệnh… đều được kiểm tra, nhắc nhở. Sự chững chạc, trưởng thành của mỗi học viên sau khi hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng, cũng chính là niềm vui mà mỗi cán bộ, nhân viên Trung tâm Huấn luyện và Bồi dưỡng nghiệp vụ CATP - những người luôn lặng lẽ, âm thầm trên hành trình “ươm mầm” tri thức  tìm thấy.