Trung tướng Nga nói về quyết định gọi tái ngũ hàng loạt xe tăng T-62

ANTD.VN - Một vị Trung tướng Quân đội Nga cho rằng lựa chọn phục hồi xe tăng T-62 cổ điển thay vì T-72 và T-80 hiện đại hơn là điều không hợp lý.

Nhà máy sửa chữa thiết giáp 103 tọa lạc tại làng Atamanovka thuộc vùng lãnh thổ Baikal đang nhận nhiệm vụ đặc biệt đó là khôi phục hoạt động và cải tiến lượng lớn xe tăng hạng trung T-62.

Đây là doanh nghiệp sửa chữa và hiện đại hóa phương tiện thiết giáp lớn nhất ở vùng Viễn Đông của Nga. Bên cạnh xe tăng T-62, cơ sở này còn thực hiện việc tân trang xe bọc thép trinh sát BRDM-2.

Quyết định của Bộ Quốc phòng Nga về việc chọn T-62 làm trọng tâm "gọi tái ngũ" mới đây đã được Trung tướng dự bị, thành viên Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) - ông Andrey Gurulev phân tích.

Thái độ của ông Gurulev về cơ bản là không đồng tình: "Làm thế nào những chiếc xe tăng đã hơn 50 năm tuổi có thể được biến thành phương tiện tác chiến hiện đại, đủ khả năng thực hiện mọi nhiệm vụ và chịu được những thách thức hàng đầu hiện nay"?

Vị Trung tướng dự bị nhấn mạnh chúng ta cần phải hiểu rõ những cỗ chiến xa T-62 đã lỗi thời về mặt kỹ thuật như thế nào, ngay cả khi đã được hiện đại hóa cũng không thể được gọi là "phương tiện tác chiến hiện đại".

"Thật không may khi Anatoly Serdyukov còn là người đứng đầu Bộ Quốc phòng Nga đã không có thời gian để gửi tất cả T-62, BRDM-2, tàu hỏa bọc thép và nhiều 'đồ cổ' khác đi tới cơ sở tháo dỡ để nấu chảy".

"Khoảng 900 chiếc T-62 vẫn nằm trong kho bảo quản, chúng đang được gửi đến khu vực diễn ra chiến dịch quân sự đặc biệt, trong khi có hàng ngàn xe tăng T-72 và T-80 trong cùng một kho, chúng tốt hơn nhiều so với T-62", ông Gurulev nói thêm.

Trung tướng Gurulev cho biết, kính ngắm xạ thủ mới được lắp đặt trên xe tăng T-62 nâng cấp là loại 1PN96MT-02 với kênh ảnh nhiệt và máy đo xa laser, khí tài này đã xuất hiện tại Diễn đàn Army-2022 nhằm thay thế cho loại 1K13 đã quá lỗi thời.

Với kính ngắm mới, pháo thủ sẽ có khả năng phát hiện mục tiêu từ cự ly lên tới 3.000 mét, đây là một bước tiến rõ rệt đối với loại xe tăng lạc hậu như T-62.

Mặc dù vậy, thông số trên vẫn bị cho là chưa đạt yêu cầu, bởi tầm bắn hiệu quả sẽ thấp hơn rất nhiều, đặc biệt khi pháo chính U5TS cỡ 115 mm của T-62 có đường đạn thua xa loại 125 mm lắp trên MBT đời cao hơn.

Chưa dừng lại đây, xe tăng T-62 kể cả khi hoàn thành nâng cấp vẫn rất dễ bị tổn thương trước hỏa lực của đối phương, bởi vì bản thân lớp giáp bảo vệ không có bất kỳ thay đổi đáng kể nào.

Việc lắp đặt giáp phản ứng nổ Kontakt-1 trên tháp pháo, phía trước mũi và hai bên sườn không thể cản vũ khí chống tăng hiện đại do phương Tây sản xuất, khi chúng đã chứng tỏ hiệu quả rất lớn trên các chiến xa đời cao hơn.

Ngoài ra theo dự báo, T-62 sẽ phải đối đầu trên chiến trường không phải những chiếc M60 Patton tương đồng thế hệ mà là xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Mỹ, Leopard 2 của Đức và Challenger 2 do Anh sản xuất vốn mạnh hơn rất nhiều.

Việc Bộ Quốc phòng Nga lựa chọn phục hồi cùng với hiện đại hóa xe tăng T-62 có thể chỉ vì một lý do duy nhất, đó là phương án này rẻ tiền hơn nhiều so với việc "gọi tái ngũ" T-72 hay T-80 mà thôi