Trung Quốc lúng túng trước “lò lửa” Tân Cương

ANTĐ - Chính quyền Trung Quốc đang rất lúng túng trước các vụ tấn công gần đây do lực lượng khủng bố ở Tân Cương thực hiện khiến nhiều người dân Trung Quốc cảm thấy hoang mang. Theo các chuyên gia phương Tây, vụ đánh bom ở Urumqi mới đây cho thấy các phần tử khủng bố đã thay đổi chiến thuật tạo nhiếu áp lực lên chính quyền Bắc Kinh và khả năng xảy ra hiệu ứng dây chuyền, tiếp diễn các vụ tấn công khác. Những cuộc tấn công cũng phản ánh những yếu kém trong hoạt động thu thập tin tức tình báo của Bắc Kinh.

Kể từ hồi tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 80 người thiệt mạng trong các cuộc tấn công bằng dao và bom. Theo chính quyền Bắc Kinh, chính các phần tử Hồi giáo ly khai Duy Ngô Nhĩ tại khu tự trị Tân Cương là thủ phạm của các vụ tấn công trên. Một chiến dịch “tìm diệt khủng bố” nhắm vào các phần tử khủng bố và các nhóm cực đoan tôn giáo, các loại vật liệu nổ và trại huấn luyện khủng bố sẽ kéo dài tới tháng 6/2015, trong đó xác định Tân Cương là chiến trường trọng yếu. 

Bắc Kinh cáo buộc người ly khai Uighur gây ra những vụ tấn công này, cùng với những vụ tấn công gây thương vong lớn gần đây, bao gồm vụ đâm xe ở quảng trường Thiên An Môn làm 5 người thiệt mạng, và các vụ tấn công ở ga tàu tại Urumqi và Côn Minh. Các nhóm Uighur lưu vong nói rằng bạo lực gia tăng là do sự đàn áp văn hóa và tôn giáo của Trung Quốc với người Uighur, phóng viên Martin Patience của BBC ở Bắc Kinh cho biết. 

Nguồn gốc sâu sa của vấn đề này nằm ở đâu vẫn đang được giới chuyên môn tìm câu trả lời. Tân Hoa Xã cho rằng, hơn một nửa cư dân Tân Cương là người dân tộc thiểu số theo đạo Hồi là nguyên nhân gây bất ổn trong khu vực. Nhà cầm quyền Trung Quốc cáo buộc các nhóm ly khai ở Tân Cương đang cố tìm cách thành lập nhà nước riêng với tên gọi là Đông Turkestan.

Tờ Le Figaro của Pháp nhận định, chính quyền Trung Quốc cáo buộc người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương đứng sau vụ thảm sát và so sánh với vụ khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ được coi là động thái “tạo cớ” để đàn áp khốc liệt hơn trong thời gian tới. Ngày 27-5 vừa qua, tại một sân vận động thể thao ở thành phố Yining, tỉnh Yili, Tân Cương, Trung Quốc đã xét xử 55 người gây ra các vụ bạo lực đẫm máu ở Tân Cương trong thời gian gần đây. Ba án tử hình được tuyên vì tội “bạo lực khủng bố”. Truyền thông Trung Quốc cho biết 55 người bị kết án vì các tội cố ý giết người, ly khai, lãnh đạo và tham gia vào các nhóm khủng bố.

Hầu hết những người bị tuyên án đều là người Duy Ngô Nhĩ. Đây được xem là động thái nhằm răn đe các phần tử gây bạo lực leo thang ở khu tự trị này. Bắc Kinh đã bắt giữ hơn 200 nghi phạm và tịch thu hơn 200 thiết bị gây nổ tại Tân Cương trong một tháng vừa qua, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho hay hồi cuối tuần.

Chuyên gia Michael Clark (Đại học Griffith của Úc) chuyên gia nghiên cứu về Tân Cương trong một báo cáo đặc biệt với đài BB cho biết: các cuộc tấn công gần đây cho thấy người Duy Ngô Nhĩ đang hành động bạo lực hơn và cực đoan hơn, có sự tiến hóa rõ rệt, thể hiện quy mô lớn và mức độ phức tạp mới, rất giống với chiến thuật của các tổ chức phiến quân Hồi giáo trên thế giới.

Ông viết: “Trước đây, bạo lực ở Tân Cương thường xảy ra cường độ thấp, chủ yếu là sử dụng các công cụ thô sơ, tấn công vào cảnh sát hay nhân viên của chính quyền, còn các cuộc tấn công gần đây tiến hành một cách bạo lực ở nơi công cộng khó phòng ngừa. Đó là những toan tính có chủ ý của những kẻ khủng bố nhằm làm chính quyền Trung Quốc tức giận, có những hành động trấn áp mạnh mẽ và càng khiến người Duy Ngô Nhĩ bức bối. Từ đó, sẽ càng làm bùng lên ngọn lửa phản kháng”.  

Với sự leo thang rõ ràng gần đây trong bạo lực Tân Cương, Bắc Kinh đã sử dụng chiến thuật “chuyển lửa ra bên ngoài” để hướng sự chú ý của dư luận ra khỏi những vấn đề nóng bỏng trong nước đã không thành công. Với hàng loạt vụ tấn công bạo lực trong thời gian qua, Tân Cương là “lò lửa” bất ổn lớn nhất tại Trung Quốc hiện nay. Tây Tạng cũng là khu vực tồn tại nhiều mâu thuẫn gay gắt, chực chờ ngày bùng nổ dù chưa xảy ra những vụ bạo lực đẫm máu kiểu như Tân Cương. Nhưng như báo chí phương Tây ước tính trong 5 năm qua, đã có hơn 130 người Tây Tạng tự thiêu để phản đối các chính sách của Chính phủ Trung Quốc.

Với cả Tân Cương và Tây Tạng, quan điểm của chính quyền Trung Quốc luôn là những kẻ theo chủ nghĩa ly khai, khủng bố thực hiện các hành vi bạo lực. Nhưng bất ngờ là xã luận của Thời Báo Hoàn Cầu mới đây đã thú nhận: “Các sai lầm chính sách trong lịch sử đã phần nào dẫn tới tình trạng hiện nay”.