Trung Quốc “khát” thâu tóm

ANTĐ - Ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Trung Quốc đã gây xôn xao dư luận khi tiến hành thâu tóm công ty chế biến và kinh doanh thịt lợn lớn nhất của Mỹ đồng thời cũng là lớn nhất thế giới.

Công ty Smithfield Foods chế biến và kinh doanh thịt lợn lớn nhất của Mỹ
đã bị Trung Quốc thâu tóm

Smithfield Foods Inc ngày 29-5 ra thông báo cho biết công ty chế biến và kinh doanh thịt lợn lớn nhất của Mỹ đồng thời cũng là lớn nhất thế giới này đã ký thỏa thuận chuyển nhượng quyền sở hữu cho Công ty chế biến thịt lợn Shuanghui International Holdings của Trung Quốc có trụ sở ở Hồng Kông (Trung Quốc) với giá 4,7 tỷ USD. Song nếu cộng cả các khoản nợ hiện nay của Smithfield Foods thì tổng giá trị của hợp đồng chuyển nhượng lên tới 7,1 tỷ USD. 

Shuanghui International Holdings nắm quyền sở hữu Smithfield Foods là vụ thâu tóm lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc đối với một công ty Mỹ. Do tính nhạy cảm trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc, sau khi ký thỏa thuận, ban lãnh đạo của Shuanghui International cam kết duy trì nguyên trạng ban quản lý, sẽ không cắt giảm trong số 46.000 nhân viên hiện nay của Smithfield Foods, không đóng cửa các công xưởng hoặc chuyển trụ sở của Smithfield Foods. 

Việc Shuanghui International Holdings thâu tóm Smithfield Foods diễn ra khi Trung Quốc hiện là thị trường lớn thứ 3, sau Mexico và Nhật Bản, nhập khẩu mặt hàng thịt lợn của Mỹ. Nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng thịt lợn của Mỹ trong thập kỷ qua đã tăng gấp 10 lần và riêng trong năm 2012, Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ 431.000 tấn thịt lợn các loại với giá 866 triệu USD. 

Việc thâu tóm Smithfield Foods đã biến Shuanghui International trở thành tập đoàn chế biến thịt lớn nhất thế giới với 13 xưởng chế biến, sản xuất hơn 2,7 triệu tấn thịt mỗi năm. Công ty này cũng đang là chủ sở hữu nhiều công ty khác trên thế giới, kể cả trong lĩnh vực thực phẩm và vận chuyển hàng hóa, đồng thời cũng là công ty biến chế thịt lớn nhất Trung Quốc. 

Thỏa thuận mua bán trên còn phải chờ phán quyết của Ủy ban về các khoản đầu tư của nước ngoài (CFIUS) chuyên xem xét tính pháp lý các vụ chuyển nhượng của các công ty Mỹ cho các đối tác nước ngoài. Song vụ thâu tóm làm xôn xao dư luận và thị trường này cũng đang khiến không ít người giật mình về “cơn khát” thâu tóm các công ty không chỉ ở Mỹ mà khắp thế giới của Trung Quốc, nhất là các công ty có tên tuổi, ảnh hưởng, công nghệ cao hay thuộc những ngành then chốt.

Ngay trong tháng 5 này, một nhóm công ty Trung Quốc cũng đã mua lại gần như toàn bộ cổ phần một công ty chuyên về dịch vụ cho thuê máy bay thuộc tập đoàn bảo hiểm và tài chính quốc tế của Mỹ (AIG) để qua đó có quyền tiếp cận với mạng lưới hơn 200 hãng hàng không của 80 quốc gia. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) cũng nổi đình đám với vụ thâu tóm lớn nhất của Trung Quốc ở nước ngoài khi chi ra 17,7 tỷ USD để mua lại Công ty năng lượng Nexen Ltd của Canada. 

Chiếc vòi bạch tuộc của Trung Quốc cũng khiến châu Âu e ngại khi số liệu điều tra cho thấy thông qua các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A), Trung Quốc đã bỏ ra 12,6 tỷ USD, tăng 21% so với năm trước, để thâu tóm các công ty ở cựu lục địa. Trung Quốc tiến hành thâu tóm trong những lĩnh vực mà họ cảm thấy có lợi nhất song chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và cơ sở hạ tầng thiết yếu.