Bất kể kết quả của cuộc xung đột Ukraine sắp tới như thế nào, trong tương lai chắc chắn Moskva sẽ phải đối mặt với sức ép mạnh hơn từ NATO, do vậy vũ khí Nga phải sẵn sàng để đối diện những nguy cơ lớn.
Tờ Sohu của Trung Quốc đã xác định 4 hướng chính trong việc phát triển hơn nữa vũ khí và trang thiết bị quân sự, liên quan đến sự phát triển trong tương lai của Quân đội Nga nhằm đảm bảo ưu thế trước NATO.
Theo ấn bản tiếng Trung, trước hết đó phải là những chiếc máy bay không người lái. Mặc dù Quân đội Nga đã từng chịu tổn thất do UAV của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria trước đây, nhưng lần này tại Ukraine, thiệt hại đã trở nên nghiêm trọng hơn.
Với sự trợ giúp của các loại máy bay không người lái do các nước phương Tây cung cấp, Ukraine đã nâng cao đáng kể khả năng tấn công trên chiến trường. Giờ đây, đến lượt Nga chứng minh tác động tàn phá của UAV cảm từ thông qua những chiếc Shahed-136 mua từ Iran.
Như vậy không còn nghi ngờ gì nữa, máy bay không người lái sẽ trở thành đối tượng trọng điểm của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng Nga. Moskv đang có một số dự án đáng chú ý là họ cần nhanh chóng hoàn thiện chúng.
Mục thứ hai trong danh sách gợi ý của tờ Sohu là các bệ phóng tên lửa tầm xa. Quân đội Nga đã nhiều lần chứng minh rằng họ sẵn sàng và có khả năng sử dụng vũ khí tên lửa để thực hiện những cuộc tấn công chính xác.
"Trên thực tế, Nga đã có nhiều bệ phóng tên lửa Tornado-S tầm xa, nhưng do thiếu đạn dẫn đường chính xác nên chúng không đóng vai trò quan trọng trong quá trình chiến sự. Vì vậy Quân đội Nga cần nhiều đạn có hiệu chỉnh hơn", tờ Sohu nói rõ.
Thứ ba, theo ý kiến của tờ Sohu, Nga cần trang bị nhanh chóng hơn cho quân đội các thiết bị chiến đấu mặt đất hiện đại. Sau khi cải cách, lực lượng mặt đất của Nga đã thực hiện một hình thức cấu trúc và tổ chức bên ngoài, dựa trên "các nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn".
Nhưng trên thực tế, phần lớn trang bị của Quân đội Nga là các thiết bị lỗi thời. Trước sự cơ động linh hoạt của lực lượng vũ trang vũ trang Ukraine, điều này dẫn đến mất lợi thế và gây tổn thất nặng nề, đặc biệt là xe bọc thép.
"Trong nhiều năm qua, các loại vũ khí, trang bị thế hệ mới như xe tăng T-14, xe chiến đấu bộ binh T-15... chỉ được trưng bày tại các cuộc triển lãm hay duyệt binh của Quân đội Nga".
"Tuy nhiên do chất lượng không ổn định và vấn đề tài chính nên việc thay thế quy mô lớn đã không xảy ra. Hiện tại, nhiều người tin rằng nếu việc tái vũ trang được thực hiện sớm hơn thì họ đã không phải chịu tổn thất nặng nề như vậy".
"Do đó, việc hiện đại hóa thiết bị quân sự vẫn rất cấp thiết. Không nên lặp lại 'giải pháp' theo kiểu đưa xe tăng T-62 từ kho dự trữ ra chiến trường", tờ Sohu nhấn mạnh.
Ấn bản tiếng Trung xác định hướng thứ tư mà Quân đội Nga cần theo đuổi là trang bị chính là biên chế và sử dụng rộng rãi máy bay chiến đấu tiên tiến, đặc biệt là tiêm kích tàng hình.
"Lực lượng hàng không vũ trụ Nga không những chưa giành được ưu thế hoàn toàn trên bầu trời Ukraine mà còn mất một số lượng đáng kể máy bay chiến đấu dưới đòn tấn công của các hệ thống phòng không đối phương".
"Mới đây, Nga cuối cùng đã đưa tiêm kích tàng hình Su-57 vào biên chế, nó được thông báo đã tham chiến và phá hủy mục tiêu đối phương, nhưng chưa có bất cứ bằng chứng xác thực nào".
"Tất nhiên, nhiều khía cạnh của việc sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình vẫn chưa thể tiết lộ công khai. Nhưng số lượng của chúng - trên thực tế chỉ vài chiếc Su-57 đã được bàn giao rõ ràng là một con số quá ít", tờ Sohu nhấn mạnh.
Tờ Sohu đưa ra kết luận: "Nga vẫn là một nước lớn, với kho vũ khí hạt nhân của mình, ít nhất họ không phảo lo sợ sẽ diễn ra một cuộc xâm lược nhằm vào lãnh thổ của mình".
"Tuy nhiên, một cuộc va chạm khác với sức mạnh quân sự thông thường của NATO là khó lòng tránh khỏi, vì vậy các lực lượng tác chiến thông thường của Nga vẫn cần được xây dựng lại càng sớm càng tốt".