Nhà phân tích Alexander Zlobin của tờ Economy Today cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sẽ chậm lại nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga mới.
Trong bối cảnh bị hạn chế thêm việc làm ăn với Nga, các doanh nghiệp châu Âu cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, họ bắt đầu tính toán thiệt hại từ việc cắt đứt quan hệ kinh tế với Moskva.
Sau khi các nước phương Tây áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Nga, những hệ lụy toàn cầu đối với nền kinh tế thế giới là không thể tránh khỏi. Tuyên bố này được đưa ra bởi Bộ trưởng Tài chính Mỹ - bà Janet Yellen.
Quay lại quá khứ, vào giữa mùa thu năm 2021, truyền thông phương Tây bắt đầu lan truyền thông tin Liên bang Nga được cho là đang lên kế hoạch tấn công Ukraine.
Thực tế này đi kèm với tuyên bố của đại diện Mỹ và NATO liên quan đến "các biện pháp trừng phạt chưa từng có" chống lại Nga trong trường hợp leo thang xung đột.
Phương Tây cảnh báo sẽ cắt Nga khỏi SWIFT, cấm các nhà sản xuất điện tử Mỹ và châu Âu cung cấp sản phẩm vào thị trường Nga, đóng băng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 và thậm chí áp đặt biện pháp trừng phạt cá nhân đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ban đầu, phương Tây chỉ nói về những thiệt hại toàn cầu mà Nga sẽ phải gánh chịu trong bối cảnh chịu hạn chế, nhưng gần đây chính quyền Mỹ bắt đầu nói về những nguy cơ mà nền kinh tế toàn cầu sẽ phải đối mặt.
Tổng thống Joe Biden thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt đối với Nga, trong trường hợp tình hình xung quanh Ukraine leo thang, cũng sẽ ảnh hưởng đến nước Mỹ, đặc biệt là khiến giá năng lượng tăng.
Theo ông Alexander Zlobin, phương Tây thường chỉ đưa ra những hạn chế sẽ ảnh hưởng ít nhất đến nền kinh tế khu vực đồng Euro. Tuy nhiên giờ đây những cáo buộc gay gắt chống lại Nga đòi hỏi phải có hành động nghiêm túc, điều mà EU không muốn thực hiện.
“Phương Tây đã nhiều lần áp đặt các biện pháp trừng phạt khác nhau chống lại Liên bang Nga, nhưng hầu hết tất cả đều nhằm vào cá nhân hoặc mục tiêu hẹp".
"Điều này được thực hiện nhằm giảm thiểu tác động đến khu vực kinh tế của Mỹ và Liên minh Châu Âu. Cho dù có một số thiệt hại nhưng lợi ích của các nước phương Tây ít bị ảnh hưởng nhất”, ông Zlobin nói.
“Giờ đây khi những cáo buộc chống lại Moskva ngày càng gay gắt hơn, các yêu cầu đối với chính sách trừng phạt cũng đang thay đổi".
"Nói cách khác, phản ứng của phương Tây đối với sự 'leo thang' của Nga phải thực sự ở quy mô lớn và nghiêm túc, và đây là một mức độ hoàn toàn khác, điều này gây bất lợi cho cả Mỹ lẫn EU”, ông Zlobin cho biết thêm.
Washington, cùng với Liên minh châu Âu đang nỗ lực bảo vệ mình một cách hiệu quả nhất có thể, để tránh khỏi hậu quả của "tác động bất lợi" từ những lệnh trừng phạt, cố gắng đảm bảo nguồn cung năng lượng cho châu lục này.
Đồng thời các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ đang gióng lên hồi chuông cảnh báo: giới doanh nhân yêu cầu nhà chức trách Mỹ làm rõ những ngành nào sẽ bị ảnh hưởng bởi hạn chế có thể xảy ra, cũng như ai sẽ là người bù đắp những thiệt hại cho họ.
“Đọc báo chí phương Tây, chúng ta thấy thực sự có những cuộc gặp gỡ đơn lẻ ở một số bang của Mỹ, các cuộc họp quy tụ những doanh nhân lớn đang diễn ra".
"Họ cố gắng quyết định hành động như thế nào nếu các lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến thương mại, xuất khẩu, sản xuất phân bón, điện tử và nhiều ngành khác mà Nga hợp tác chặt chẽ với EU và Mỹ”, ông Zlobin nói.
Theo nhà khoa học chính trị người Nga, chính quyền các nước phương Tây đang im lặng về quy mô thực sự của những vấn đề mà nền kinh tế thế giới có thể sắp phải đối mặt.
“Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đại dịch, tình hình kinh tế ở hầu hết các nước trên thế giới còn nhiều điều đáng lo ngại, và những gì phương Tây đang làm hiện nay - ý tôi là suy đoán về chủ đề một cuộc chiến tranh tưởng tượng - sẽ chỉ làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu”, ông Zlobin cảnh báo.
Chuyên gia này kết luận rằng, nhiều khả năng phương Tây sẽ không dám áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm trọng đối với Nga, vì cả Mỹ và EU đều nhận thức được hậu quả mà bước đi như vậy sẽ dẫn đến.