Trực thăng tốt nhất của Nga được minh oan trong vụ tai nạn khiến đại tướng Ấn Độ thiệt mạng

ANTD.VN - Ấn Độ công bố vụ rơi trực thăng Mi-17V5 khiến Tổng tham mưu trưởng Bipin Rawat thiệt mạng, nguyên nhân được chỉ ra là do thời tiết xấu khiến phi công mất phương hướng, chứ không phải trực thăng lỗi kỹ thuật.

Mi-17V5 là phiên bản mới nhất của dòng trực thăng Mi-8, đây vốn là dòng trực thăng tốt nhất của Nga xét trên tổng hòa các tiêu chí. Hiện phiên bản mới này đang được sử dụng rộng rãi tại không quân Ấn Độ.

Khi trực thăng Mi-17V5 chở Tổng tham mưu trưởng Bipin Rawat của quân đội Ấn Độ bị rơi khiến ông và toàn bộ phi hành đoàn thiệt mạng, người ta nghi ngờ về chất lượng của trực thăng Nga.

Tuy nhiên mới đây quân đội Ấn Độ đã công bố kết quả điều tra vụ tai nạn và phủ nhận nguyên nhân về yếu tố kỹ thuật.

"Ủy ban điều tra đã bác bỏ khả năng sự cố kỹ thuật, phá hoại hoặc tắc trách dẫn đến tai nạn", Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết hôm qua khi công bố kết quả điều tra sơ bộ vụ rơi trực thăng khiến Tổng tham mưu trưởng Bipin Rawat và 13 người khác thiệt mạng ngày 8/12/2021.

Nhóm điều tra của quân đội Ấn Độ đã phân tích hộp đen, gồm thiết bị ghi dữ liệu bay và ghi âm buồng lái, cùng lời khai của các nhân chứng để đưa ra kết luận.

"Sự cố bắt nguồn khi trực thăng bay vào mây sau khi thời tiết đột ngột thay đổi ở thung lũng. Phi công mất định hướng không gian và điều khiển trực thăng đâm vào địa hình", thông cáo có đoạn.
"Hội chứng mất định hướng không gian hay cảm giác phương hướng sai là tình trạng xảy ra khi phi công không thể cảm nhận chính xác vị trí, độ cao, hướng di chuyển và trạng thái chuyển động của máy bay", tài liệu đăng trên trang web của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết.
Mất định hướng không gian là vấn đề sinh lý gây ra nhiều tai nạn máy bay thảm khốc trong ngành hàng không thế giới, có thể xảy đến với cả những phi công dày dặn kinh nghiệm với hàng nghìn giờ bay tích lũy.
Trực thăng Mi-17V-5 chở tướng Rawat cùng 13 người cất cánh từ Sulur, thành phố Coimbatore, lúc 11h48 ngày 8/12, dự kiến hạ cánh tại cơ sở quốc phòng ở thị trấn Wellington, huyện Nilgiris, sau đó khoảng 27 phút.

20 phút sau khi trực thăng cất cánh, phi công thông báo qua vô tuyến với kiểm soát không lưu rằng phi cơ sẽ hạ cánh xuống bãi đáp ở Wellington sau 7-8 phút.

Đài kiểm soát không lưu sau đó đột ngột mất liên lạc với trực thăng mà không nhận được bất cứ tín hiệu khẩn nguy nào.

Biến thể trực thăng Mi-17V-5 được phát triển từ dòng Mi-8MTV-5 cho không quân Nga, ra mắt hồi năm 2012 và được coi là một trong những phiên bản hiện đại nhất của dòng trực thăng này, trang bị nhiều thiết bị điện tử cùng radar thời tiết và hệ thống lái tự động.
Là quốc gia sở hữu nhiều chiếc Mi-17V5 nhất thế giới, Ấn Độ đã đặt mua tổng cộng 200 chiếc từ Nga. Họ đã nhận vào biên chế khoảng 150 chiếc.
Đây được coi là xương sống trong lực lượng không vận cũng như vũ trang hạng nhẹ tấn công mặt đất của Ấn Độ
Khả năng hoạt động ổn định và bền bỉ, chi phí khai thác rẻ và giá thành phải chăng khi mua mới cùng với việc có thể thực hiện đa nhiệm vụ đã khiến dòng trực thăng Mi-17V5 của Nga trở thành món hàng bán chạy.
Những chiếc Mi-17V5 ngoài khả năng không vận thì chúng còn vũ trang nhẹ để trờ thành trực thăng tấn công hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh trên mặt đất.
Buồng lái của máy bay rộng tới 12,5 m2, trong khi thể tích không gian là 23 m3.
Chiếc Mi-17V5 có thể lắp các giá treo ở 2 bên sườn nhằm trang bị các công cụ hỗ trợ nhảy dù, tìm kiếm cứu nạn.
Ngoài ra nơi đây cũng có thể gắn các loại vũ khí như pod súng máy, rocket, tên lửa chống tăng Shturm-V và cả bom rơi tự do.
Trực thăng vận tải đa dụng Mi-17V-5 có trọng lượng cất cánh tối đa 13 tấn. Chúng có khả năng vận chuyển 36 binh lính mang đầy đủ trang bị vũ khí hoặc 4.500 kg hàng hoá.
Bên cạnh đó, trực thăng Mi-17V-5 còn được tích hợp nhiều thiết bị thông tin liên lạc tối tân. Khi cần thiết, theo yêu cầu của khách hàng thì nó còn có thể bổ sung hệ thống tác chiến điện tử.
Mi-17V-5 có vai trò chính là trực thăng vận tải, nó được xem như chú ngựa thồ đường không chịu trách nhiệm chuyên chở hàng hóa cũng như binh lính từ hậu phương ra tới tiền tuyến.
Khả năng yểm trợ hỏa lực đường không của Mi-17V-5 là khá tốt nhờ mang được nhiều vũ khí, tuy vậy nó lại bị đánh giá là tương đối cồng kềnh và nặng nề, thiếu độ linh hoạt cần thiết.
Chính vì ưu điểm này nên Ấn Độ đã biên chế những chiếc trực thăng Mi-17V5 cho cả các đơn vị sơn cước, sát biên giới với đối thủ.