Trục lợi bảo hiểm y tế: Giải pháp nào ngăn chặn dứt điểm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bảo hiểm y tế đã trở thành “phao cứu sinh” của rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân nghèo. Để đảm bảo ổn định quỹ, cần nâng cao hơn nữa công tác đấu tranh nhằm ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi của cá nhân, tổ chức.
Chính sách bảo hiểm y tế cũng đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế

Chính sách bảo hiểm y tế cũng đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế

Theo Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn, xét trên bức tranh chung về thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, thành công đầu tiên trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế ở nước ta hiện nay là cơ chế chính sách, một hành lang pháp lý thực hiện chính sách bảo hiểm y tế cơ bản đã được hoàn thiện.

Ở khía cạnh “bao phủ”, cả ba yếu tố bảo đảm sự thành công của chính sách bảo hiểm y tế (gồm tỷ lệ người tham gia, giảm chi từ tiền túi của người bệnh và gói quyền lợi của người dân tham gia BHYT) đều đã và đang được hiện thực hóa với nhiều thành tựu tích cực.

Tính đến cuối năm 2020, cả nước có 87,96 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, vượt 10,85% so với chỉ tiêu đề ra năm 2020 tại Nghị quyết số 68/2013/QH13.

Chính sách bảo hiểm y tế cũng đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi người dân cho các dịch vụ y tế đã giảm xuống từ 49% năm 2012 còn khoảng 43% trong tổng chi tiêu y tế hiện nay. Con số này vẫn còn ở mức khá cao, nhưng cho thấy xu hướng giảm dần, hướng tới sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chỉ ra những vấn đề đáng lo ngại trong việc đảm bảo an toàn quỹ. Cụ thể, từ năm 2017 đến nay, quỹ Bảo hiểm y tế luôn có số chi cao hơn số thu.

Ngoài ra, quy định về thông tuyến không có cơ chế kiểm soát dẫn đến tình trạng một số cơ sở có cơ chế thu hút người bệnh có thể dẫn đến việc tăng số lượng khám chữa bệnh so với nhu cầu thực tế, hoặc người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám nhiều lần trong ngày, trong tuần, trong tháng tại nhiều cơ sở y tế.

Qua thống kê chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế những năm gần đây cho thấy, nhóm người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình có tần suất 2,8 lượt khám chữa bệnh/thẻ/năm (bình quân chung các nhóm là 1,9) và tỷ lệ sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế (tính trên số đóng bảo hiểm y tế của nhóm) cao nhất trong số các nhóm người tham gia Bảo hiểm y tế.

Các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ có số lượt khám chữa bệnh cao nhất. Mức độ sử dụng thẻ bảo hiểm y tế của các tỉnh Vĩnh Long, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Nai cao gấp 3-4 lần so với các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng. Trong đó, tần suất sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh cao nhất tại Vĩnh Long với 3,9 lần/người/năm.

Theo Phó tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn, thời gian vừa qua, để đảm bảo việc sử dụng quỹ khám chữa bệnh an toàn, hiệu quả, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã yêu cầu cơ sở khám chữa bệnh, Bảo hiểm xã hội các tỉnh giám sát điều trị nội trú, tránh tình trạng cơ sở y tế cố tình “đẩy” bệnh nhân vào điều trị nội trú để tăng nguồn thu…

Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế tham gia dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi; tập trung giải quyết vướng mắc trong thanh toán chi phí thuốc thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế.

Hiện nay, phương thức thanh toán theo giá dịch vụ đang cho thấy những hạn chế khi tạo ra sự “khuyến khích” các cơ sở khám chữa bệnh tăng chỉ định, dịch vụ y tế cho bệnh nhân bảo hiểm y tế, làm gia tăng chi phí phí, lợi dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế từ phía cơ sở khám chữa bệnh, từ người tham gia bảo hiểm y tế, dẫn đến bội chi quỹ.

Thực tế cũng đã cho thấy, để mọi người dân sớm được hưởng quyền an sinh về bảo hiểm y tế, điều kiện quan trọng nhất là sự quan tâm của cả hệ thống chính trị phải tương xứng với vai trò quan trọng của chính sách này, cũng như ý thức của người dân, cơ sở y tế về ý nghĩa của việc tham gia bảo hiểm y tế, giám sát và sử dụng hiệu quả quỹ.

"Thời gian tới, chúng ta vẫn cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong quá trình tiến tới thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân" - ông Phạm Lương Sơn cho biết thêm.