Trình phương án “cứu” cao tốc Bến Lức- Long Thành hết cảnh dở dang 9 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ GTVT vừa trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, trong đó chủ đầu tư được đề xuất sẽ tự bố trí nguồn vốn để hoàn thành các phần việc còn lại.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành là một đoạn tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam kết nối miền Đông và Tây Nam Bộ, sau 9 năm thi công hiện đạt tiến độ 82%. Các vướng mắc của dự án dần dần được tháo gỡ bởi vào ngày 30/3, Chính phủ đã có Nghị quyết giao chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) có trách nhiệm tự cân đối, bố trí đủ số vốn đối ứng để tiếp tục triển khai dự án.

Tại tờ trình, Bộ GTVT cho hay các gói thầu đoạn phía Tây (gồm các gói từ A1 đến A4) dùng vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hiện hiệp định vay đã đóng. Các gói thầu A1, A2-2 và A4 đã chấm dứt hợp đồng.

Do đó, VEC đã chuẩn bị thủ tục để phát hành hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà thầu mới ngay sau khi được chấp thuận chủ trương điều chỉnh dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, đồng thời cho phép chủ đầu tư tự cân đối vốn để làm các việc còn lại của dự án. Nếu tháng 5/2023 phát hành được hồ sơ mời thầu, đoạn tuyến phía Tây sẽ hoàn thành và thông xe vào quý 2-2024… và hoàn thành toàn bộ cao tốc Bến Lức - Long Thành vào tháng 9/2025.

Cao tốc Bến Lức- Long Thành dang dở sau 9 năm thi công

Cao tốc Bến Lức- Long Thành dang dở sau 9 năm thi công

Trên cơ sở ý kiến các Bộ ngành, địa phương Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xem xét quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Trong đó, điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến 30/9/2025 và điều chỉnh tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn...

Để hoàn thành dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, VEC sẽ tự bố trí hơn 7.547 tỷ đồng từ dòng tiền tích lũy hợp pháp từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để hoàn thành khối lượng công việc còn lại.

Dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành bị dừng thi công do vướng mắc về vốn trong thời gian dài dẫn đến nhiều nhà thầu khiếu nại chủ đầu tư các chi phí phát sinh. Nhà thầu A1 và J3 đã khởi kiện chủ đầu tư ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore.

Tổng số tiền mà các nhà thầu khiếu nại là 1.656 tỷ đồng, tuy nhiên chi phí khiếu nại được tư vấn giám sát đánh giá ước tính khoảng 840,5 tỷ đồng. Số tiền cụ thể sẽ căn cứ phán quyết của trọng tài hoặc cấp có thẩm quyền để các bên liên quan thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.