Triều Tiên thử pháo phản lực siêu lớn KN-25 chuyên phá hủy sân bay

ANTD.VN -  Triều Tiên thông báo khai hỏa hệ thống pháo phản lực siêu lớn KN-25 có cỡ nòng lên tới 600 mm, đủ khả năng phá hủy sân bay của đối phương. 
"Hệ thống pháo phản lực phóng loạt KN-25 cỡ nòng 600 mm sử dụng trong đợt diễn tập là một phương thức tấn công hạt nhân chiến thuật, đủ khả năng phá hủy sân bay đối phương", hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA ngày 20/2 cho biết.
KCNA mô tả, hai quả đạn được phóng ra nhắm vào mục tiêu ở khoảng cách 337-395 km, nhấn mạnh động thái này nhằm đáp trả cuộc diễn tập không quân của Mỹ và Hàn Quốc diễn ra trước đó một ngày.
"Quân đội Triều Tiên đã thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu toàn diện nhằm răn đe và đối phó các cuộc tập trận của đối phương", KCNA cho hay.
Quân đội Hàn Quốc dường như đã nhầm hai quả đạn pháo phản lực này là "tên lửa đạn đạo tầm ngắn".
Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho hay hai quả đạn đã bay được quãng đường 340-390 km trước khi rơi xuống vùng biển phía đông.
Được biết KN-25 là dòng pháo phản lực siêu lớn có thể bắn các loại đạn từ 400 tới 600 mm.
Với kích thước này thì KN-25 là dòng pháo phản lực có ống phóng lớn nhất thế giới hiện nay.
Giới chức quân sự Hàn Quốc nhận định Triều Tiên có thể đã cải thiện hiệu suất của các tổ hợp pháo phản lực bằng cách tích hợp hệ thống dẫn đường vệ tinh, tương tự GPS.
Rogoway, biên tập viên của Drive cho biết các khu vực quanh Khu phi quân sự (DMZ), bao gồm một phần thủ đô Seoul của Hàn Quốc, đều nằm trong tầm pháo kích của Triều Tiên nhờ các hệ thống pháo mới này.
Theo ông Rogoway, Triều Tiên giờ đây có thể đẩy tầm pháo kích xa hơn về phía nam và "trút mưa đạn xuống sâu bên dưới lãnh thổ Hàn Quốc trong giai đoạn đầu nếu xảy ra xung đột vũ trang".
"Với pháo phản lực dẫn đường cỡ nòng 600 mm hoặc pháo tầm xa sử dụng cỡ đạn nhỏ hơn, Triều Tiên gửi thông điệp rất rõ ràng về thay đổi cuộc chơi với pháo binh", Rogoway viết.
Trong khi đó, ông Ryu Sung-yeop, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quân sự Hàn Quốc cho biết: "Pháo phản lực Triều Tiên có thể làm nhiệm vụ tập trung hỏa lực, trong đó các quả đạn phóng từ một đơn vị hoặc nhiều khẩu đội ở những vị trí phân tán dội xuống khu vực mục tiêu vào cùng một thời điểm".
Giới quan sát cho rằng, pháo phản lực siêu lớn của Triều Tiên KN-25 phiên bản đường kính 600 mm có thể đạt tầm bắn khoảng 400 km.
Với tầm bắn và độ công phá này, KN-25 Triều Tiên đủ sức đe dọa phần lớn căn cứ Mỹ và Hàn Quốc.
Các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo chiến lược và pháo phản lực siêu lớn của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc lên kế hoạch tổ chức diễn tập trên sa bàn nhằm ứng phó mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng.
Để đáp trả, không quân Mỹ và Hàn Quốc ngày 19/2 điều oanh tạc cơ chiến lược B-1, tiêm kích F-35A, F-15K và F-16 tham gia diễn tập trong vùng nhận diện hàng không Hàn Quốc.