Triển vọng nào cho xung đột Nga - Ukraine trong năm 2025?

ANTD.VN - Nga đã bác bỏ kế hoạch do nhóm cố vấn của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đưa ra nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Tại sao họ lại từ chối đề xuất về “giải pháp với Ukraine” và triển vọng kết thúc cuộc xung đột này trong năm 2025 sẽ như thế nào?

Chưa biết Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ làm thế nào để thực hiện được lời hứa chấm dứt xung đột Ukraine trong vòng 24 giờ

“Giải pháp” của ông Donald Trump

Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11, những lời chỉ trích liên tục của ông đối với Ukraine và nguồn tài trợ của Mỹ cho Kiev cùng lời hứa sẽ chấm dứt chiến tranh trong vòng 1 ngày sau khi nhậm chức, đã khiến các đồng minh NATO lo ngại về những thỏa hiệp mà ông có thể yêu cầu Ukraine thực hiện. Tuy nhiên, vào ngày 12-12-2024, ông đã nói với tạp chí Time: “Trung Đông là vấn đề dễ giải quyết hơn những gì đang xảy ra với Nga và Ukraine”.

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cẩn thận không tiết lộ nhiều về kế hoạch của mình. “Tôi không thể tiết lộ vì nếu lộ ra những đề xuất đó, tôi sẽ không thể áp dụng. Chúng sẽ không thành công, bởi một phần yếu tố cần phải bất ngờ” - ông Donald Trump nói trong một cuộc phỏng vấn podcast với Lex Fridman vào tháng 9-2024. Tuy nhiên, một số ý tưởng về một lệnh ngừng bắn ở Ukraine của ông Donald Trump và các trợ lý chủ chốt đã phần nào được hé lộ.

Vào ngày 6-11, Tạp chí Phố Wall (WSJ) trích dẫn 3 nguồn tin thân cận với ông Trump cho biết, kế hoạch của cựu Tổng thống Mỹ liên quan đến việc trì hoãn tư cách thành viên NATO của Kiev trong 20 năm. Trước đó, ông JD Vance, “phó tướng” của ông Trump cũng tiết lộ thêm chi tiết về kế hoạch tiềm năng này trong một cuộc phỏng vấn cho chương trình Shawn Ryan được phát sóng vào tháng 9. Ông JD Vance cho biết, ranh giới phân định hiện tại giữa Nga và Ukraine sẽ trở thành “khu phi quân sự”. Bài báo của WSJ cho biết, khu phi quân sự này sẽ trải dài gần 1.290km, mặc dù vẫn chưa rõ ai sẽ kiểm soát khu vực này. Ông Vance cũng gợi ý rằng, Ukraine sẽ phải nhượng lại một số lãnh thổ cho Nga, bao gồm một số phần của Luhansk, Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia. Nga đã kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine kể từ năm 2014.

Vào ngày 27-11-2024, ông Donald Trump bổ nhiệm tướng nghỉ hưu Keith Kellogg làm đặc phái viên về xung đột Nga - Ukraine. Trước đó, hồi tháng 4, ông Keith Kellogg là đồng tác giả của một báo cáo đề xuất viện trợ của Mỹ cho Kiev sẽ dừng lại trừ khi có các cuộc đàm phán với Nga, nhưng Mỹ nên hỗ trợ Ukraine để ngăn chặn những bước tiến xa hơn. Báo cáo đó cũng gợi ý rằng, NATO có thể tạm dừng tư cách thành viên của Ukraine và Nga có thể được giảm nhẹ một số lệnh trừng phạt để đổi lấy sự tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình.

Vì sao Nga từ chối?

Trong buổi họp báo thường niên hôm 26-12-2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, việc hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine để tiến tới ngừng bắn là không đủ thỏa đáng đối với Matxcơva. Ông Vladimir Putin cho biết, mặc dù ông không biết chi tiết về kế hoạch của ông Donald Trump, nhưng Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đã đưa ra một đề xuất tương tự vào năm 2021, đó là hoãn việc gia nhập NATO của Ukraine trong vòng 10 - 15 năm. “Điều đó liệu có tạo ra sự khác biệt gì cho chúng ta hôm nay, ngày mai hay 10 năm nữa?” - ông đặt câu hỏi.

Sau đó, hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đã trích dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov làm rõ thêm về việc bác đề xuất của ông Donald Trump dành cho Ukraine. “Chúng tôi chắc chắn không hài lòng với các đề xuất do đại diện nhóm của Tổng thống đắc cử Mỹ đưa ra về việc hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine trong 20 năm và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của “Anh và châu Âu” tại Ukraine” - ông Sergey Lavrov nói với TASS.

Trước đó, hôm 19-12-2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong buổi “Hỏi và Đáp” thường niên về tình hình đất nước đã nói sẽ đàm phán với Ukraine vô điều kiện và với bất kỳ ai, kể cả Tổng thống Zelensky. “Chúng tôi đã sẵn sàng, nhưng phía bên kia cần phải sẵn sàng cho cả đàm phán và thỏa hiệp” - ông nói. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong tuyên bố mới nhất về việc này cho biết, Nga vẫn chưa nhận được bất kỳ “tín hiệu” chính thức nào từ Mỹ về “giải pháp cho Ukraine”. Nhà ngoại giao Nga giải thích rằng, cho đến lễ nhậm chức của ông Donald Trump tại Washington vào ngày 20-1, chỉ có chính quyền sắp mãn nhiệm của ông Joe Biden mới là đối tác chính thức của Matxcơva.

Xung đột bao giờ kết thúc?

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ bước vào Nhà Trắng vào ngày 20-1-2025 với sự mong đợi ngày càng tăng về việc liệu ông có thể thực hiện lời hứa chấm dứt xung đột Nga - Ukraine hay không. Các đồng minh của Ukraine đang ngày càng lo ngại về những bước tiến của quân đội Nga ở khu vực Donetsk, trong khi mặt trận Kursk đã chững lại vì Ukraine đang phải vật lộn để giữ vững lãnh thổ mà họ hy vọng sẽ tạo ra đòn bẩy tại các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai. Ngày 16-12-2024, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrei Belousov cho biết, 4 khu vực của Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập gồm Kherson, Zaporizhzhia, Luhansk và Donetsk, sẽ hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của Matxcơva vào năm 2025.

“Năm 2025 có vẻ là năm quyết định vì quân đội Nga tiếp tục sử dụng chiến thuật tiêu hao và liên tiếp kiểm soát thêm lãnh thổ” - ông Cedomir Nestorovic, đồng Giám đốc học thuật của Trung tâm Địa chính trị và kinh doanh ESSEC, nói với tạp chí Newsweek (Mỹ). Ông Cedomir Nestorovic cho biết, việc ông Donald Trump chần chừ trong việc duy trì vai trò của Mỹ là nhà cung cấp quân sự chính cho Ukraine có thể khiến Kiev khó đẩy lùi những bước tiến của Nga hơn, đồng thời thúc đẩy Ukraine “phải đàm phán ngay bây giờ trước khi quá muộn”.

Theo Giáo sư môn Khoa học chính trị Aurelien Colson của ESSEC, cách tiếp cận “hòa bình thông qua sức mạnh” của ông Trump có thể khiến cả 2 bên đàm phán vào năm 2025. “Dù sao đi nữa, đó sẽ không phải là kết thúc của chiến tranh mà là lệnh ngừng bắn có vũ trang” - Giáo sư Aurelien Colson nhận định.

Còn Giáo sư môn Quản lý quốc tế và địa chính trị Edgar Bellow của Trường Kinh doanh NEOMA cho biết, kết thúc xung đột vào năm 2025 là có thể. Kịch bản có khả năng xảy ra là xung đột bị đóng băng, nhưng khi các tranh chấp lãnh thổ chưa được giải quyết thì có thể nó sẽ lại leo thang trở lại. Ngay cả khi ông Trump gợi ý rằng ông có thể hợp tác với Nga thì mọi chuyện vẫn có thể rạn nứt nếu Mỹ coi hành động của Nga là làm suy yếu lợi ích của Mỹ trên toàn cầu. “Cách tiếp cận phi truyền thống của ông Trump đối với chính sách đối ngoại có thể dẫn đến những quyết định thất thường, chẳng hạn như đe dọa can thiệp quân sự hoặc áp đặt các hạn chế thương mại bất ngờ đối với Nga” - Giáo sư Bellow nói.

“Mọi người đều muốn hòa bình, chúng tôi muốn hòa bình hơn bất kỳ ai” - ông Yuriy Boyechko, Giám đốc điều hành và người sáng lập tổ chức từ thiện Hope for Ukraine cho biết. Tuy nhiên, ông dự đoán rằng giao tranh sẽ không kết thúc “trong tương lai gần”. Việc Nga dành 40% ngân sách năm 2025 (142 tỷ USD) cho chi tiêu quốc phòng và an ninh quốc gia cho thấy điều đó là hoàn toàn có thể.

Ngày 21-12, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra 2 kịch bản cho xung đột Nga - Ukraine. Kịch bản thứ nhất cho rằng xung đột sẽ kết thúc vào cuối năm 2025, còn kịch bản bi quan hơn dự đoán chiến sự sẽ tiếp tục cho đến giữa năm 2026, ảnh hưởng đáng kể đến sự ổn định kinh tế.

“Mỗi ngày trong năm tới, tôi và tất cả chúng ta, phải đấu tranh cho một Ukraine đủ mạnh. Bởi vì chỉ có một Ukraine như vậy mới được tôn trọng và lắng nghe. Cả trên chiến trường và tại bàn đàm phán. Năm 2025 sẽ là năm của chúng ta, năm của Ukraine. Chúng ta biết rằng hòa bình sẽ không được trao cho ta như một món quà, nhưng chúng ta sẽ làm mọi thứ để chấm dứt cuộc chiến. Đây là điều mà mỗi người chúng ta đều mong muốn”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (phát biểu trong Thông điệp năm mới 2025)

“Nga sẵn sàng đối thoại với Ukraine vô điều kiện và với bất kỳ đại diện nào của Ukraine, bao gồm cả ông Volodymyr Zelensky, nhưng điều quan trọng nhất là phía bên kia phải sẵn sàng đàm phán và thỏa hiệp... Chính trị là nghệ thuật thỏa hiệp, nhưng là quốc gia có chủ quyền, Nga sẽ đưa ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phát biểu tại cuộc họp báo lớn vào ngày 19-12-2024)