Triển vọng lạc quan về tăng trưởng kinh tế ASEAN+3

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù có những nhân tố bất lợi như cuộc xung đột tại Ukraine hay chính sách “Zero Covid-19” của Trung Quốc… song khu vực kinh tế ASEAN+3 vẫn có triển vọng tăng trưởng kinh tế sáng sủa với tốc độ tăng khoảng 4,7% trong năm 2022, mức khá cao so với bình quân tăng trưởng chung của kinh tế toàn cầu.

Triển vọng lạc quan, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro

Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) ngày 12-4 công bố Báo cáo hàng năm Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN+3 cho biết, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực ASEAN+3 (gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc cùng Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc) được dự báo ở mức 4,7% trong năm nay và 4,6% vào năm 2023. Trong đó, riêng mức tăng trưởng của các quốc gia ASEAN trong năm nay và năm 2023 có nhỉnh hơn với lần lượt là 5,1% và 5,2%. Những dự báo lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế được AMRO đưa ra trên cơ sở nhận định rằng, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cao của khu vực đã giúp kiểm soát tốt dịch bệnh. Đó là cơ sở rất quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro sức khỏe cho người dân và các chính phủ nhanh chóng nới lỏng những hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi kinh tế.

Khu vực ASEAN+3 có triển vọng tăng trưởng GDP lạc quan dù đang đối mặt với những rủi ro

Khu vực ASEAN+3 có triển vọng tăng trưởng GDP lạc quan dù đang đối mặt với những rủi ro

Báo cáo cùng các nhận định của AMRO không chỉ được ASEAN+3 quan tâm, bởi đây là một tổ chức quốc tế được thành lập nhằm góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính của khu vực này. AMRO có nhiệm vụ chính là giám sát kinh tế vĩ mô, hỗ trợ thực hiện thỏa thuận tài chính khu vực, đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên.

Dù đưa ra đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng GDP của ASEAN+3, song AMRO cũng cảnh báo nhiều rủi ro mà khu vực đang phải đối mặt, mà nếu xử lý hay ứng phó không tốt sẽ có những tác động xấu. Trong đó, về những nhân tố bên trong khu vực, rủi ro tài chính vẫn còn cao ở nhiều nền kinh tế do đại dịch Covid-19. AMRO khuyến cáo, các chính sách tài chính vĩ mô hiện tiếp tục được tập trung vào việc giảm nhẹ tác động của dịch bệnh đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp và hỗ trợ phục hồi kinh tế. Nếu sự phục hồi bị trì hoãn, nhiều doanh nghiệp và cá nhân có thể gặp khó khăn về tài chính.

Nguy cơ làn sóng bùng phát biến thể Omicron bùng phát mạnh tại Trung Quốc (nền kinh tế lớn nhất ASEAN+3 với GDP tới 18.000 tỷ USD và là nơi cung ứng nhiều nguyên, vật liệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu) là một trong những rủi ro đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng như ASEAN+3 vốn có mối quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc. Việc Trung Quốc vẫn kiên trì chiến lược “Zero Covid-19”, thực hiện phong tỏa nghiêm ngặt những nơi có dịch bất chấp đó là những trung tâm tâm tài chính - sản xuất lớn của nước này để đối phó làn sóng lây nhiễm đã gây ra những lo ngại sâu sắc về nguy cơ gián đoạn thương mại cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời làm giảm tăng trưởng GDP của Trung Quốc.

Với các nhân tố tác động từ bên ngoài, cuộc xung đột ở Ukraine đang nổi lên là một nguy cơ đối với triển vọng kinh tế khu vực. Mặc dù các nền kinh tế ASEAN+3 có tiếp xúc trực tiếp hạn chế với Nga và Ukraine, nhưng các nền kinh tế khu vực vẫn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nếu cuộc xung đột kéo dài. Ngoài ra, những khó khăn kinh tế như chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, lạm phát toàn cầu cao hơn và tăng trưởng thấp hơn chắc chắn sẽ làm tổn hại đến xuất khẩu và tăng trưởng của khu vực ASEAN+3. Trong đó, rủi ro lớn nhất là lạm phát tăng vọt ở Mỹ thúc đẩy Cục Dự trữ liên bang (FED) bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ. Kéo theo đó là sự thắt chặt các điều kiện tài chính trên toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến lãi suất, dòng vốn và dẫn đến biến động thị trường tài chính trong khu vực.

Hợp tác để ứng phó, giảm thiểu rủi ro

Đưa ra khuyến cáo để ASEAN+3 thúc đẩy tăng trưởng GDP, đồng thời phòng ngừa tốt hơn để giảm thiểu rủi ro, Tiến sỹ Hoe Ee Khor - Kinh tế trưởng của AMRO nêu rõ, do các thiết lập chính sách toàn cầu ít mang tính hỗ trợ hơn trong năm 2022 nên các nhà hoạch định chính sách của khu vực cần phải thực hiện hành động cân bằng quan trọng, tránh rút hỗ trợ chính sách sớm để duy trì sự phục hồi kinh tế. Đi với đó, cần tạo điều kiện cho việc phân bổ lại nguồn vốn và lao động cho các lĩnh vực mới và mở rộng, khôi phục không gian chính sách để chuẩn bị cho các rủi ro trong tương lai.

Duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định sau đại dịch và ứng phó với những rủi ro đến từ bên ngoài là mối ưu tiên trong hợp tác của các thành viên ASEAN, là nòng cốt trong khuôn khổ hợp tác ASEAN+3. Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 26 diễn ra cùng với Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 8 (ngày 8-4) vừa qua, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN 26 vạch ra 3 ưu tiên hợp tác, gồm hồi phục kinh tế, thích ứng linh hoạt và gắn kết.

Theo đó, các thành viên sẽ tăng cường hợp tác để thúc đẩy thương mại và xúc tiến đầu tư; hỗ trợ hội nhập tài chính ASEAN một cách sâu rộng với các đối tác; thúc đẩy triển khai các hệ thống thanh toán xuyên biên giới trong khu vực; tăng cường hỗ trợ tài chính bền vững để huy động thêm nguồn lực cho hồi phục kinh tế. Trong khi đó, tại Hội nghị AFMGM lần thứ 8, các Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN cũng cho rằng, tiến trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 tiếp tục là ưu tiên hàng đầu để kiểm soát dịch bệnh, đi đôi với đó thì chính sách tài khóa, tiền tệ cần thích ứng kịp thời nhằm phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Là quốc gia nằm trong khu vực ASEAN+3, Việt Nam với những nỗ lực cùng biện pháp sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả để ứng phó với những rủi ro, thách thức kinh tế từ đại dịch cũng như từ bên ngoài, thời gian qua đang nổi lên là một điểm sáng về tăng trưởng, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Trong Báo cáo triển vọng phát triển châu Á 2022 công bố ngày 6-4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam khi dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 6,5% và năm 2023 đạt 6,7%. ADB đưa ra dự báo này sau khi xem xét nhiều yếu tố bao gồm việc Chính phủ Việt Nam chuyển hướng chính sách trong kiểm soát dịch bệnh, bao phủ diện rộng vaccine ngừa Covid-19, mở cửa du lịch, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với các giải pháp kích thích tài chính, tiền tệ, giúp thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và nông nghiệp.

Phát biểu tại Hội nghị AFMGM lần thứ 8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giảm thuế môi trường đối với xăng dầu, đẩy nhanh chiến dịch tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã làm nền tảng cho việc phục hồi các hoạt động kinh tế. Chia sẻ của Việt Nam được hội nghị ghi nhận, đánh giá cao như những tham khảo hữu ích với các thành viên khác trong khu vực.