Triển lãm Chu Hải tiết lộ quy mô phi đội tiêm kích tàng hình J-20 Trung Quốc

ANTD.VN - Triển lãm Hàng không Chu Hải (Zhuhai Air Show 2022) đã tiết lộ quy mô phi đội tiêm kích tàng hình J-20 của Trung Quốc là khá lớn.

Sáu năm sau khi ra mắt, tại Triển lãm Zhuhai Air Show 2022, công chúng đã có cái nhìn rõ hơn về tiêm kích tàng hình J-20 - chương trình vũ khí cấp cao và đầy bí mật do Trung Quốc triển khai.

Kể từ khi những chiếc J-20 đầu tiên được chuyển giao cho Quân đội Trung Quốc (PLA) vào giữa năm 2016, các đồn đoán liên tục gia tăng liên quan tới quy mô của phi đội, với các ước tính ngày càng thay đổi nhiều hơn.

Các nhà phân tích Mỹ vào tháng 4/2022 cho rằng quy mô phi đội J-20 vào khoảng 200 chiếc, trong khi một vài nhận xét thận trọng hơn từ các nước phương Tây ước lượng có khoảng 140 - 150 máy bay được đưa vào hoạt động ngay trước khi khai mạc Triển lãm Chu Hải 2022.

Tại ngày khai mạc Triển lãm Chu Hải 2022, những chiếc J-20 mang số hiệu CB0370 và CB0369 đã xuất hiện công khai lần đầu tiên, cho thấy lô sản xuất máy bay chiến đấu J-20 thứ hai bao gồm ít nhất 70 chiếc - nhiều hơn đáng kể so với suy nghĩ trước đây.

Trong khi đó, các máy bay từ lô sản xuất thứ tư đã được nhìn thấy vào đầu năm, nâng số liệu cuối cùng cho các ước tính thận trọng nhất về số lượng J-20 lên gần sát con số 200, khả năng dưới 180 chiếc là khó có thể xảy ra.

Các khoản đầu tư đáng kể đã được thực hiện trong việc mở rộng sản xuất J-20. Trung Quốc thông báo vào tháng 12/2021 rằng việc sản xuất hàng loạt vẫn đạt được mức tăng trưởng rất cao, bất chấp tình hình dịch bệnh.

Hình ảnh về việc mở rộng các nhà máy lắp ráp tại Thành Đô cung cấp một chỉ số đáng chú ý về điều này. J-20 là một trong hai máy bay chiến đấu trên thế giới thuộc thế hệ năm được sản xuất và thực chiến ở cấp độ phi đội, cùng với F-35 của Mỹ.

Lần đầu tiên hai máy bay này chạm trán nhau là trên Biển Hoa Đông, thông tin được xác nhận vào tháng 3/2022. Mặc dù Trung Quốc chi tiêu nhiều hơn cho việc mua sắm quốc phòng so với Mỹ, số lượng F-35 dự kiến ​tiếp tục đông hơn đáng kể J-20.

Nguyên nhân nằm trong một số lý do, nhưng chủ yếu vì F-35 là loại máy bay một động cơ nhẹ hơn nhiều với chi phí hoạt động thấp, trong khi J-20 là tiêm kích hạng nặng 2 động cơ được tối ưu hóa cho nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không.

Tiêm kích F-35 giống như máy bay tiền nhiệm F-16, là chiếc chiến đấu cơ tương đối rẻ và được sản xuất trên quy mô lớn, trong khi J-20 giữ vai trò và cấu hình tương tự như F-15 và F-22 cao cấp hơn.

Một số lợi thế quan trọng nhất đối với các tiêm kích hạng nặng như J-20 được chỉ ra bao gồm khả năng cơ động tốt hơn nhiều, trọng tải, tốc độ, khối lượng vũ khí và trần bay đều cao hơn, bên cạnh đó là radar công suất lớn.

Viễn cảnh phi đội J-20 cuối cùng đạt hơn 700 máy bay là rất đáng tin cậy, đặc biệt sau những tiết lộ mới nhất về quy mô sản xuất tiêm kích hạng nặng thế hệ 4,5 tiên tiến nhất của Trung Quốc - J-16, với khoảng 300 chiếc đã được đưa vào phục vụ từ năm 2014.

J-20 ước tính sẽ được sản xuất với tốc độ cao hơn J-16, đặc biệt khi Trung Quốc đang có tham vọng nhanh chóng đưa nhiều lữ đoàn không quân lên sử dụng toàn bộ tiêm kích thế hệ thứ năm.

Ba biến thể J-20 đã được xác nhận bao gồm J-20 tiêu chuẩn, J-20A với động cơ cải tiến và thiết kế khung máy bay tàng hình được sửa đổi, cùng với phiên bản hai chỗ ngồi có tên định danh J-20AS.

Trung Quốc và Mỹ cũng đang cạnh tranh nhau để đưa vào trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu đầu tiên trên thế giới, chiếc đầu tiên dự kiến ​​sẽ được đưa vào hoạt động khoảng năm 2030.

Mặc dù vậy nền tảng tiêm kích thế hệ năm như J-20 vẫn không bị lạc hậu, nó sẽ được tiếp tục nâng cấp với nhiều tính năng mới, trong đó bao gồm chỉ huy biên đội chiến đấu cơ không người lái thế hệ thứ sáu.