Trí thức, văn nghệ sỹ hiến kế phát triển bền vững Thủ đô

ANTĐ -  Sáng 11-6, đồng chí Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đã chủ trì buổi buổi gặp mặt đại biểu văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô để nghe đóng góp ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội giai đoạn 2016 – 2020. Cùng dự có đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ; đồng chí Nguyễn Đức Chung, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP; đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND TP; đồng chí Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành uỷ; đại diện giới trí thức, văn nghệ sỹ…

Trí thức, văn nghệ sỹ hiến kế phát triển bền vững Thủ đô ảnh 1

Các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội cùng các trí thức văn nghệ sỹ tại buổi gặp mặt

Lắng nghe những kế sách

Mở đầu buổi gặp mặt, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, với vị trí đặc biệt quan trọng, Hà Nội đã phát huy ngày càng tốt hơn vị thế, vai trò, trách nhiệm của Thủ đô, xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội là Thủ đô an ninh, an toàn, đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt bình yên cho người dân Thủ đô và du khách…

Đại hội XVI Đảng bộ Thành phố đã đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển Thủ đô giai đoạn 5 năm 2015 - 2020, trong đó đặc biệt Hà Nội tập trung phát huy vai trò đầu tàu, trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và cả nước.

Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải khẳng định, với tinh thần thực sự cầu thị, lãnh đạo Thành phố mong muốn được lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của đại biểu trí thức, văn nghệ sĩ, nhất là những kế sách, những giải pháp sáng tạo, phù hợp để Hà Nội thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng là niềm tự hào, là trái tim của cả nước.

Tiếp đó, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã thông tin về nội dung dự thảo Kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2016-2020 của thành phố Hà Nội. “Dự thảo kế hoạch lần này là bản chỉnh sửa lần thứ 6; đã được xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương, các nhà khoa học tham khảo, góp ý. TP rất mong muốn các văn nghệ sĩ, trí thức đóng góp ý kiến, hoàn thiện kế hoạch quan trọng này”, Chủ tịch UBND TP nói.

Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải trân trọng tiếp thu các ý kiến, đóng góp của giới văn nghệ sỹ, trí thức

Tâm huyết vì Thủ đô thân yêu

Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu cảm động cho biết, dù tuổi cao sức yếu nhưng trước sự trọng thị của các đồng chí lãnh đạo TP, Giáo sư không thể không tới cuộc gặp mặt quan trọng này. Giáo sư Vũ Khiêu cũng bày tỏ, mong muốn TP tiếp tục quan tâm hơn nữa đến giới trí thức, văn nghệ sỹ, từ việc đặt hàng các vấn đề nghiên cứu đến việc có ngân sách đảm bảo việc này. “Thời đại chúng ta là thời đại của tri thức. Việc coi trọng trí thức văn nghệ sỹ là rất quan trọng” - Giáo sư Vũ Khiêu nói.

Quan tâm đặc biệt đến vấn đề đô thị, KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cảnh báo nguy cơ mất kiểm soát quy hoạch thành phố bởi các siêu dự án, nhất là khi các siêu dự án về bất động sản sẽ làm tăng mật độ dân số, làm đảo lộn hạ tầng xã hội.

Về vấn đề thoát nước, KTS Nguyễn Tấn Vạn cho rằng hiện nay dự án thoát nước của Hà Nội đang chỉ trông chờ vào các sông vành đai nên cần chi phí lớn, hiệu quả không lâu dài. KTS Nguyễn Tấn Vạn đề nghị TP xem xét lại để triển khai dự án thoát nước tương ứng với đô thị 10 triệu dân; KTS Nguyễn Tấn Vạn cũng mong muốn TP có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ xanh…

Đồng tình với một số cách làm mới của TP Hà Nội vừa qua, hoạ sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, TP triển khai việc cắt tỉa cây xanh bằng thiết bị hiện đại là cách làm đúng. Hoạ sỹ Trần Khánh Chương chia sẻ: “Tôi cảm nhận mỗi con phố đều đẹp hơn với những hàng cây thẳng tắp, xanh ngát, bầu trời cũng xanh hơn…TP đẹp và văn minh từ mỗi ngôi nhà đẹp, tuyến phố đẹp, vườn hoa đẹp”. Hoạ sỹ Trần Khánh Chương cũng đề nghị thêm các biển báo, chỉ dẫn các địa danh cơ quan để thuận tiện cho nhân dân và du khách cũng như xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân để đảm bảo phát triển bền vững.

Hoạ sỹ Trần Khánh Chương cho rằng, tầm nhìn văn học nghệ thuật Thủ đô phải đi trước cả nước và cần được đặt đúng chỗ. “Giới văn nghệ sỹ, trí thức Thủ đô luôn là một nguồn lực mạnh, vấn đề là sử dụng thế nào sao hiệu quả. Với đô thị 10 triệu dân, mô hình Hội VHNT TP vẫn giống như các tỉnh, trùm lên tất cả các hội…”mặc áo quá chật” rất khó phát triển. Cần nghiên cứu tách thành các hội chuyên biệt sẽ hiệu quả hơn”, Hoạ sỹ Trần Khánh Chương nói.

PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế xã hội Hà Nội cho rằng, khâu đột phá về cải cách hành chính cần cụ thể hơn nữa.  PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ dẫn chứng, dư luận đồng tình với việc UBND TP cơ cấu lại bộ máy Văn phòng UBND TP từ 12 phòng xuống 7 phòng và mong muốn việc làm này được nhân rộng ra các sở, ngành, quận huyện để tinh gọn bộ máy nâng cao hiệu quả.

Cho rằng Hà Nội phải đi đầu về văn hoá, theo PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ: “Hà Nội phải lấy văn hoá để soi đường phát triển”. Liên quan đến vấn đề này, nhạc sĩ Phạm Tuyên cho rằng việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phải bắt đầu từ trẻ em. TP cần chú trọng các chương trình giáo dục, tạo các sân chơi lành mạnh cho trẻ em. Đồng tình với ý kiến này, TS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở QH-KT lưu ý việc xây dựng những công viên tầm cỡ là rất cần thiết; những vườn hoa, sân chơi nhỏ phục vụ từng khu dân cư rất cần được đầu tư sớm…

Trí thức, văn nghệ sỹ hiến kế phát triển bền vững Thủ đô ảnh 3

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao đổi với hoạ sỹ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

Đảm bảo phát triển bền vững

Tại buổi gặp mặt, các văn nghệ sỹ, trí thức còn góp ý với TP nhiều vấn đề để TP phát triển bền vững như đảm bảo đa dạng sinh học; đi đầu trong ứng dụng kiến trúc mới; công nghệ mới; xây dựng, hoàn thiện liên tục các chỉ tiêu nông thôn mới…

Sau khi lắng nghe các ý kiến tâm huyết của giới trí thức, văn nghệ sỹ, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải cho biết, TP sẽ tăng cường gặp với các gỡ giới trí thức, văn nghệ sỹ. "Bất cứ lúc nào có ý kiến, các giáo sư, tiến sỹ cứ gửi ngay tới chúng tôi. Lãnh đạo TP sẽ có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện, giải quyết ngay. Chúng tôi muốn nghe lắng nghe nhiều hơn để thấy rõ được trách nhiệm của mình. Những ý kiến xác đáng được nêu tại đây đã chỉ rõ những phần việc quan trọng của TP để vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị văn hóa Hà Nội”, Bí thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định.