Tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư: “Thùng thuốc súng” đáng sợ

ANTĐ - “Việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết Biển Đông dường như đang tiến triển ngày càng nguy hiểm và chỉ cần một lỗi ngu xuẩn cũng có thể châm ngòi cho chiến tranh” - tạp chí Chính trị Mỹ cảnh báo. 

Trong khi đó cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á - ông Kurt Campbell lại nhận định: “Cuộc tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông giữa Trung Quốc và Nhật Bản là một “thùng thuốc súng” đáng sợ. Theo giới phân tích, do ngày càng lo sợ sự can dự của Mỹ, Trung Quốc gần đây có những hành động đẩy cuộc tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư với Nhật tiến gần đến bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang trên biển. 

Trang The Washington Free Bacon cho biết, tình báo Mỹ vừa phát hiện Trung Quốc di chuyển tên lửa đạn đạo tới sát bờ biển phía nam gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, động thái này đang được theo dõi chặt chẽ, bởi Trung Quốc cũng đang tiến hành các cuộc tập trận lớn gây lo ngại sẽ châm ngòi cuộc xung đột với Nhật và kéo theo Mỹ.

Các nguồn tin của trang The Washington Free Bacon không cung cấp những thông tin chi tiết về các hoạt động tên lửa của phía Trung Quốc mà các hệ thống vệ tinh do thám, máy bay và tàu Mỹ đã dò tìm được. Song theo trang tin trên, các quan chức tình báo của Mỹ đã xác nhận những hoạt động tên lửa ở gần các tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến, sau khi một số phương tiện truyền thông Trung Quốc thông tin về việc này. 

Trước đó, tờ Oriental Daily News xuất bản tại Hồng Kông dẫn nguồn tin quân sự tiết lộ trong số tên lửa được triển khai, có DF-16 với tầm bắn 1.200km và được cho là có thể mang đầu đạn hạt nhân. Tờ báo này cho hay, quân đoàn pháo binh 2 của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) cũng đã chuẩn bị nhắm mục tiêu đến quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư cũng như căn cứ quân sự Mỹ ở tỉnh Okinawa.

Tờ Daily News nhận định, việc di chuyển tên lửa là dấu hiệu cho thấy PLA đang "chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất liên quan đến tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc ở quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư". 

Những diễn biến trên được phát hiện sau khi khi Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe thăm Mỹ. Theo tiến sĩ Michael J.Green - nguyên giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á của Nhà Trắng, hiện là chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược Mỹ và Trung tâm nghiên cứu quốc tế,  tiết lộ rằng hai bên đã không công khai bày tỏ bất cứ quan điểm gì xung quanh vấn đề Điếu Ngư/Senkaku trong cuộc gặp gỡ với báo chí. Xung quanh vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, đã từ lâu, ba bên Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ đang ngầm có các cuộc đấu trí gay gắt. Trung Quốc và Nhật Bản là nước đương sự, còn Mỹ xen vào giữa là vì quốc gia này có những mối liên hệ lịch sử và hiện thực không thể gỡ bỏ. Bên ngoài, Mỹ tỏ rõ lập trường trung lập, nhưng bên trong, quốc gia này đã lựa chọn đứng về phía Nhật Bản từ lâu. Hay nói cách khác, trong quá trình xem xét về lợi ích chiến lược do vấn đề Điếu Ngư/SenKaku tạo ra, Mỹ vẫn coi trọng quan hệ đồng minh với Nhật Bản hơn. 

Trong chiến lược Châu Á- Thái Bình Dương của Mỹ sau khi đã được điều chỉnh, Nhật Bản đứng ở vị trí đồng minh quan trọng, so với mối quan hệ với Trung Quốc, sự thân sơ này đã quá rõ ràng. Nhưng xuất phát từ lợi ích cá nhân, trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku, Mỹ vẫn tiếp tục áp dụng chính sách khôn khéo không để mất lòng hai bên, cố gắng duy trì cuộc tranh chấp biển đảo này trong phạm vi mà Mỹ có thể kiểm soát. Quan trọng ở chỗ, sự đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh vấn đề Điếu Ngư/Senkaku sẽ giúp Mỹ được hưởng lợi “toạ sơn quan hổ đấu”, mà về mặt khách quan Mỹ có thể nhân cơ hội này kìm hãm Trung Quốc. Có chuyên gia Trung Quốc cho rằng Mỹ sẽ không bao giờ can thiệp vào một cuộc xung đột ở châu Á với vai trò đại diện cho Nhật Bản hoặc bất cứ đồng minh nào khác trong khu vực. Tuy nhiên, quan điểm này xem chừng quá lạc quan. Sự can dự của Mỹ là một khả năng hiển hiện. Mỹ hoàn toàn có thể tìm cách ngăn chặn Trung Quốc, một khi nguy cơ xung đột tăng cao.

Trong một diễn biến khác có liên quan, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho hay đã triển khai máy bay chiến đấu ngăn chặn một phi cơ của Trung Quốc bay về phía quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư. Theo cơ quan trên, chiếc máy bay Y-12 của Trung Quốc chưa đi vào không phận xung quanh quần đảo. Sau khi các máy bay quân sự của Nhật Bản xuất kích, chiếc Y-12 đã quay đầu bay về phía Trung Quốc.

Cùng ngày, lực lượng tuần duyên của Nhật Bản lại phát hiện được ba chiếc tàu hải giám của phía Trung Quốc đã tiến vào vùng lãnh hải cách hòn đảo Uotsuri thuộc quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư khoảng 12 hải lý.