Tranh cãi pháp lý xung quanh việc Thế Giới Di Động tự miễn giảm tiền thuê mặt bằng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện văn bản của Công ty CP Thế Giới Di Động (chủ hệ thống Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh, Bách Hóa Xanh) thông báo tới bên cho thuê nhà về việc đơn vị này không đóng tiền thuê mặt bằng trong thời gian đóng cửa, do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngay lập tức, thông tin này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc Thế Giới Di Động (TGDĐ) đơn phương tự miễn, giảm tiền thuê nhà có thể coi là hành động gây sức ép, buộc chủ nhà phải chấp nhận giảm, miễn tiền thuê nhà cho họ trong mùa dịch.

Trong khi đó, hợp đồng là thỏa thuận giữa hai bên, quyền và nghĩa vụ được thỏa thuận trong hợp đồng có hiệu lực bất biến. Nếu không có quy định về việc miễn, giảm tiền nhà khi xảy ra các sự kiện pháp lý nhất định thì hành động đơn phương thay đổi của một bên hoàn toàn không có giá trị pháp lý với bên còn lại.

Theo Bộ luật Dân sự 2015 có 2 trường hợp mà một bên có quyền vận dụng hành vi pháp lý đơn phương dẫn tới bên kia có nghĩa vụ phản hồi dù hợp đồng không quy định. Đó là trường hợp do sự kiện bất khả kháng và việc thực hiện hợp đồng thay đổi khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Song nếu dịch Covid-19 bùng phát được coi là sự kiện bất khả kháng cũng không dẫn tới hậu quả người thuê nhà đương nhiên được miễn hoặc giảm tiền thuê nhà.

Một trong những cửa hàng của Thế Giới Di Động

Một trong những cửa hàng của Thế Giới Di Động

Nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng về việc bên thuê nhà được miễn tiền thuê nhà khi rơi vào các trường hợp bất khả kháng thì bên thuê mới được miễn tiền thuê song phải thông báo để bên cho thuê được biết.

Còn với trường hợp không thỏa thuận trong hợp đồng bên thuê nhà muốn được miễn, giảm tiền thuê nhà thì cần thoản thuận lại với bên cho thuê khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản theo Khoản 1, Điều 420, Bộ luật Dân sự 2015. Nếu như bên cho thuê không đồng ý, bên thuê vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Như vậy, bên thuê mặt bằng không được tự ý không thanh toán hoặc giảm tiền thuê khi chưa đàm phán và được sự đồng ý của bên cho thuê. Bên thuê có thể yêu cầu người cho thuê đàm phán lại hợp đồng theo hướng đề nghị được giảm một phần hoặc toàn bộ tiền thuê mặt bằng trong thời gian dừng kinh doanh do dịch Covid-19.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, BLDS 2015 còn nêu rõ, khi sự kiện bất khả kháng xảy ra thì các bên được kéo dài một khoản thời gian hợp lý để thực hiện nghĩa vụ theo thỏa thuận, có nghĩa rằng, sự kiện bất khả kháng xảy ra không xóa bỏ đi nghĩa vụ phải thanh toán tiền thuê mặt bằng của bên thuê.

Như vậy, nếu trong hợp đồng không có thỏa thuận về việc khi xảy ra dịch bệnh, cửa hàng bị tạm ngừng hoạt động thì TGDĐ vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Nếu TGDĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn sẽ vi phạm quy định tại BLDS 2015. Khi đó, chủ nhà (bên có quyền lợi bị ảnh hưởng) có thể khởi kiện dân sự ra tòa án để yêu cầu giải quyết, bồi thường – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.