"Con nợ" đột nhiên qua đời, ai có trách nhiệm "gánh nợ" thay?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Như ANTĐ đã thông tin, mới đây, "Hoàng tử Gió" tên thật là H.Đ.N, sinh năm 1992, ở Quảng Ninh, được phát hiện tử vong trong tư thế treo cổ tại căn hộ chung cư ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Trên mạng xã hội, "Hoàng tử Gió" từng được biết đến với biệt danh "giang hồ mạng", có mối quan hệ với một số đối tượng cũng là “giang hồ mạng” như Khá Bảnh. Facebook cá nhân của "Hoàng tử Gió" có hơn 800.000 follow (theo dõi).

Thời gian gần đây, “Hoàng tử Gió” bất ngờ thay đổi hình ảnh, từ một "giang hồ mạng" đổi hướng sang làm "doanh nhân tài chính".

Liên quan đến việc tự tìm đến cái chết của một số cá nhân trong thời gian gần đây, nhiều người cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến các sự việc này là do họ bị rơi vào cảnh nợ nần, không có khả năng thanh toán dẫn đến cuộc sống quẫn bách không lối thoát. Vậy với các trường hợp bất ngờ tử vong (do bệnh tình hoặc tự vẫn) khi đang nợ tiền, tài sản của người khác thì câu hỏi được đặt ra là: Theo quy định hiện hành, số tiền nợ của người đã tử vong được giải quyết ra sao?

Nếu người vay tiền chết thì người thừa kế tài sản có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ (ảnh minh họa)

Nếu người vay tiền chết thì người thừa kế tài sản có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ (ảnh minh họa)

Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay.

Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Điều này có nghĩa bên cho vay có nghĩa vụ cho vay đúng số tiền thỏa thuận và bên vay có nghĩa vụ trả nợ (kèm theo lãi vay nếu có).

Trường hợp không may người vay tiền chết thì người thừa kế tài sản có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của người chết trong phạm vi di sản thừa kế.

Về thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại, Điều 615 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thỏa thuận của những người thừa kế trong phạm vi di sản do người chết để lại.

Trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Nếu người thừa kế không phải là cá nhân hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.

Ngoài ra, Khoản 3 Điều 422 BLDS 2015 cũng nêu rõ, hợp đồng sẽ chấm dứt khi "cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện".

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, từ phân tích nêu trên có thể thấy, giao dịch vay sẽ chấm dứt khi cá nhân/pháp nhân vay tiền chết hoặc chấm dứt hoạt động. Nghĩa vụ thanh toán nợ sẽ được thực hiện dựa trên căn cứ di sản mà người chết để lại. Trường hợp người thừa kế không trả nợ, chủ nợ có quyền khởi kiện để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đối với người nhận di sản của người chết.