Tranh cãi chuyện “đạo nhạc”: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

ANTĐ - Việc Sơn Tùng M-TP được tác giả Hàn Quốc và Bộ VH-TT&DL kết luận không đạo nhạc làm nổ ra cuộc tranh cãi quyết liệt về khái niệm chuẩn thế nào là đạo nhạc. Cuộc tranh cãi này xem ra chưa có hồi kết khi chính các nhạc sĩ có tên tuổi cũng bất đồng với cơ quan quản lý văn hóa.

Tranh cãi chuyện “đạo nhạc”: Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược ảnh 1Ngay ở Hàn Quốc, việc sáng tác bài hát trên nền bản hòa âm ca khúc khác
bị coi là hết sức nghiêm trọng vì thế một số trang mạng ở Hàn Quốc
còn chỉ đích danh việc Sơn Tùng “copy” nhạc Hàn

Các nhạc sĩ không phục

Mới đây, Bộ VH-TT&DL kết luận ca khúc “Chắc ai đó sẽ về” của ca sĩ trẻ Sơn Tùng M-TP không đạo nhạc mà chỉ ảnh hưởng bởi âm nhạc Hàn Quốc khiến các nhạc sĩ tên tuổi tham gia Hội đồng thẩm định ca khúc này không khỏi ngỡ ngàng. Nói như lời nhạc sĩ Phó Đức Phương thì ông cùng các nhạc sĩ khác trong Hội đồng thẩm định không thấy hài lòng với kết luận này. Nhạc sĩ “Trên đỉnh Phù Vân” cho rằng, kết luận này cũng chỉ là phương thức nhẹ hóa đi sự việc chứ chưa nghiêm khắc đến mức cần thiết. Bởi theo ông phần “beat” (hòa âm) cũng cần có tác giả và quyền tác giả nên không thể nói giống hòa âm là không đạo nhạc. 

Trong khi đó, nhạc sĩ Đỗ Bảo - một trong những nhạc sĩ trẻ trong Hội đồng thẩm định vẫn khẳng định, ca khúc này của Sơn Tùng là tác phẩm đạo nhạc kiểu mới, là sự vay mượn nghiêm trọng khi ứng tác các câu hát của mình trên phần nhạc đệm của bài hát Hàn Quốc, giống như hai người khác nhau nhưng lại có dấu vân tay y chang nhau và cá nhân anh hoàn toàn phản đối cách làm này. Bởi vậy, anh hoàn toàn không thấy thuyết phục trước kết luận của Bộ. Trước quan điểm cho rằng đạo hòa âm không phải là đạo nhạc, nhạc sĩ Đỗ Bảo  cho rằng Bộ nên đứng ra trưng cầu ý kiến của những người làm nghề sáng tác để có câu trả lời chính xác nhất. Một nhạc sĩ khác trong Hội đồng thẩm định cũng cho rằng việc cơ quan quản lý văn hóa đưa ra kết luận này, tức là tin vào lá thư được gửi qua email của một người nào đó phía Hàn Quốc hơn là nhận định của cả một Hội đồng thẩm định gồm rất nhiều nhạc sĩ tên tuổi trong nước là một việc làm chưa thuyết phục. Vị nhạc sĩ này cũng nghi ngờ có sự khuất tất đằng sau kết luận trên. 

Cùng quan điểm này, nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng nếu cho qua cách làm này của Sơn Tùng thì sau này mọi người sẽ cứ thấy thế mà làm. Việc ông hay các nhạc sĩ trong Hội đồng thẩm định phản ứng quyết liệt trước việc Sơn Tùng đạo nhạc cũng là vì lo cho tương lai của nền âm nhạc Việt Nam và mong muốn để những người trẻ như Sơn Tùng tự nghiêm khắc với mình, nếu không sẽ không thể trở thành nhạc sĩ chân chính. Và cuối cùng, nhạc sĩ Doãn Nho vẫn cho rằng với ca khúc này, Sơn Tùng rõ ràng đã đạo nhạc. 

Tranh cãi vì không có quy chuẩn đạo nhạc

Trước kết luận của Bộ VH-TT&DL, nhạc sĩ Phú Quang cho rằng việc viết nhạc dựa trên một bản hòa âm phối khí có sẵn là có thể chấp nhận được và điều này trên thế giới đã từng có tiền lệ. Đó là trường hợp của nhà soạn nhạc người Pháp  Charles Gounod đã viết ca khúc “Ave Maria” với phần hòa âm từ một bản nhạc của nhà soạn  nhạc Đức - Johann Sebastian Bach. Ca khúc này sau đó đã trở thành một trong những bài hát kinh điển nổi tiếng khắp thế giới, tuy nhiên người ta thường gọi là Ave Maria của Bach/Gounoud. Cũng theo nhạc sĩ Phú Quang nếu khôn hơn thì Sơn Tùng nên ghi rõ ca khúc được mình viết giai điệu trên nền hòa âm của một bài hát Hàn Quốc thì đã không xảy ra những điều tiếng như vừa rồi. 

Tuy nhiên, nhạc sĩ Thế Hiển lại cho rằng đạo phần hòa âm cũng là đạo nhạc vì đó là sự vay mượn chứ không phải sáng tạo riêng của người nhạc sĩ và đó là điều tối kỵ của bất kỳ nhạc sĩ chân chính nào. Nhạc sĩ Thế Hiển lo ngại nếu không gọi đây là đạo nhạc thì từ giờ các nhạc sĩ cứ thoải mái ngồi một chỗ chỉ cần lấy phần hòa âm có sẵn rồi chỉnh sửa là xong, chẳng việc gì phải mở các trường đào tạo âm nhạc.

Phản bác lại quan điểm của nhạc sĩ Phú Quang, tác giả của “Nhánh lan rừng” cho rằng nếu đồng tình với chuyện đạo hòa âm tức là người nhạc sĩ chưa hiểu hạnh phúc lớn nhất của người sáng tác là sự sáng tạo của riêng mình. Trên thực tế, các ca khúc để lại dấu ấn trong lòng người nghe bao thế hệ qua cũng là những bài hát đậm sự sáng tạo chứ không hề vay mượn dù chỉ là hòa âm.

Ông cũng khẳng định việc Sơn Tùng hay các nhạc sĩ khác viết nhạc bằng cách vay mượn bản hòa âm không phải là dễ dãi mà bởi vì bản thân họ không có thực tài và trong Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam sắp tới, ông cũng sẽ góp tiếng nói cùng các nhạc sĩ khác phản đối việc sáng tác kiểu này và đã đến lúc cơ quan quản lý văn hóa cần phải đứng ra thống nhất quy chuẩn chung về khái niệm chuẩn thế nào là đạo nhạc để tránh xảy ra các lùm xùm không đáng có.