Trần Hoàn và những “liveshow” bình dân

ANTĐ - Nhạc sĩ Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích. Ông vốn là người rất sôi nổi và hòa đồng, ngay khi làm Bộ trưởng cũng không “hách” và quan cách. 

Người ta thấy ông khi đi xe ô tô riêng cũng không  theo cách của lãnh đạo, nghĩa là thường thì thủ trưởng phải ngồi ghế sau xe và lệch sang bên phải so với người lái xe, còn ông thì cứ ngồi ngay ghế lái phụ. Nhưng trong phong cách làm việc thì ông rất nghiêm chỉnh, ngay ngắn và nhớ từng chi tiết những việc nhỏ.

Có lần thấy tôi trên phố Ngô Quyền, ông thò đầu ra ngoài xe gọi như thể gọi người bạn thân: Nhớ sửa giấy mời ngay nhé! Tôi chưa kịp trả lời thì xe đã vượt lên lao về phía trước. Nghe được câu “sửa giấy mời”, tôi mới chợt nhớ ra những tấm giấy mời đêm nhạc Trần Hoàn tổ chức ở Nhà văn hóa Thanh Niên - TP.HCM vào tuần tới có in sai “Nghe câu hò Ví dặm” thành “Nghe câu hò xứ Nghệ”, thế là chiều hôm đó điện vào cho anh giám đốc Nhà văn hóa đề nghị khắc phục việc sai sót đó. Nhưng ngặt một nỗi là giấy mời in và phát hành cả tuần nay rồi, vậy không thể thu hồi được, mà in lại rồi thông báo đổi giấy mời thì tốn kém quá, nên ban tổ chức thật khó nghĩ. Tôi định báo cáo việc này, nhưng lại sợ trái ý Bộ trưởng, nên nghĩ ra một “kế” hay là in thêm 100 giấy mời để sửa lại từ “Xứ Nghệ”  thành câu “Ví dặm” rồi gửi cho riêng ông. Nhận được giấy mời mới có sửa chữa ông thấy hài lòng và khen tôi một câu “Chú khá lắm”. Được Bộ trưởng khen làm gì chẳng thích, song tôi bỗng thấy buồn vì mình đã nói dối ông việc này. 

Bẵng đi một năm, trong dịp đi công tác với nhà thơ Nông Quốc Chấn - Thứ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin khi đó, tôi đem chuyện này ra nói. Bác Chấn bảo tôi: Sáng kiến tiểu xảo, nhưng thôi, anh Hoàn cũng thoải mái thôi mà, nhưng tôi nghĩ, lúc đó nên báo cáo thật thì hay, đừng nói dối như thế, tuy không lớn nhưng vẫn là: “nói dối”. Thế rồi tôi cứ ân hận mãi. Đến khi Trần Hoàn mất, tôi đi viếng. Đứng trước linh cữu ông tôi thắp nén hương và khấn: Em đã có một lần nói dối anh, em xin anh tha thứ. Tự nhiên tôi bỗng thấy rùng mình, hình như linh hồn ông đã nhận lời khấn và tha lỗi cho tôi, rồi thấy lòng mình thanh thản.

Hồi cuối thế kỷ trước, những đêm nhạc Trần Hoàn thường được tổ chức trang trọng và đó là những hoạt động văn hóa bổ ích, lành mạnh, làm sôi động sân khấu các nhà văn hóa cấp tỉnh và cấp huyện. Lúc đó thù lao cho nhạc sĩ chẳng là bao. Vé bán cũng rẻ, cốt để khán giả được đến nhà văn hóa một cách thoải mái và tạo cho những người bình dân được nghe nhạc mà không tốn kém. Cứ như những kiểu “liveshow” bây giờ giá vé hàng triệu đồng thì dân thường khó mà “lai vãng”. Có người bảo những bài hát của Trần Hoàn chưa thật xuất sắc, thế nhưng nhạc của ông đã mang lại cho công chúng những xúc cảm đặc biệt, những bản tình ca của ông luôn gắn liền với đời sống chính trị nhưng rất nhuần nhị, từ “Sơn nữ ca”  đến “Bến nhà Rồng” và hàng trăm bài “tình ca chính trị” khác cho đến tận bây giờ vẫn chưa bao giờ cũ. 

Lại nhớ một đêm nhạc của ông được tổ chức ở Nhà văn hóa huyện Từ Liêm cũ nay là quận Cầu Giấy, hội trường gần như vỡ tung vì chỉ có hơn 700 chỗ ngồi, song người vào xem thì đến hơn nghìn người. Đêm diễn được một phần ba chương trình thì hầu hết các cửa của nhà văn hóa bị bung ra, nhiều khung kính vỡ loảng xoảng. Không khí hừng hực, quạt trần quay hết tốc độ cũng như không. Hàng rào bảo vệ bất lực, đêm diễn bị ngắt quãng, phải mất hơn một giờ đồng hồ mới ổn định được trật tự để đêm nhạc tiếp tục... Và khi sắp kết thúc đêm diễn, nhạc sĩ Trần Hoàn cầm ghi-ta lên sân khấu, lúc này trông ông như một nghệ sĩ thực thụ, cả hội trường vỗ tay, rồi im phắc, nghe ông nói chuyện và ông hát với giọng trầm trong tiếng ghi-ta  làm mọi người xúc động; hình như trong giây phút đó, mái tóc hoa râm của ông bỗng xanh lại trước tình yêu của khán giả…

Thật sự những đêm nhạc Trần Hoàn ở đâu cũng luôn luôn sôi động, thế nhưng không phải để khuếch trương, đánh bóng tên tuổi ông, mà ông khéo léo, dùng âm nhạc để truyền bá văn hóa cách mạng, tự ông làm chiến lược “xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở” và lại tự ông đi làm “mẫu” và đến nhiều vùng sông nước Cửu Long và miền núi, Tây Nguyên, vùng sâu, vùng xa, phát động phong trào văn hóa, và cũng từ đó ở xã nào, huyện nào cũng có nhà văn hóa khang trang, hoạt động với nhiều mô hình sinh động.