Trăm năm, một chân dung người Hà Nội

ANTĐ - Tôi quen với con trai ông, anh Nguyễn Huy Thắng, nhưng cũng chỉ biết ông là một nhà văn lớn, một người từng tham gia lãnh đạo của Hội văn nghệ Việt Nam thời chiến khu Việt Bắc. Thế thôi. Nhưng rồi bỗng dưng tôi đọc ông, những gì đã công bố và chưa công bố rộng rãi, mới hay cuộc đời ông, di sản văn chương ông lớn quá, tâm huyết ông lớn quá, dành cho cuộc đời và cho Hà Nội... Và con người đau đáu việc đời, con người lo trước thời đại ấy hóa ra cũng  thân phận và lắm nỗi niềm…

Hóa ra nhà văn Sống mãi với Thủ đô đã không sống đặng bao nhiêu năm trần thế. Ông ra đi ở tuổi 48 khi đang độ sung sức nhất của đời văn, với đóng góp cho cuộc đời bằng những trang viết. Nhưng cũng có lẽ ông đã vắt kiệt mình dâng đời, để đời những trang viết tâm can rồi và như vậy, tôi tin ông đã “sống nhiều”. Những tài năng thường vậy. Và mãi mãi họ gieo vào lòng người hậu thế, những người yêu mến họ niềm thương tiếc như một bậc tài hoa bạc mệnh. Nguyễn Huy Thắng  con trai ông bây giờ lịch sử lại đã chọn ngồi đúng chỗ của ông năm chục năm trước, để hồn nhiên làm ra những cuốn sách cho thiếu nhi. Thắng không có quyền chọn như vậy. Nhưng lịch sử chọn Thắng đấy - tôi đùa mà thật vậy. Anh không học văn chương, và điều đó đúng như mong ước của cha anh khi ông bảo với vợ, rằng  xin em đừng hướng các con vào văn chương. Nhưng rồi hai người con, hơn thế, ba bốn người con ông làm văn chương hoặc ít nhiều dính líu đến văn chương. Biết làm sao được. 

Một nhà văn của lịch sử. Đề tài lịch sử hầu như xuyên suốt trong tác phẩm của ông cả văn và kịch. Trước cách mạng Nguyễn Huy Tưởng có Đêm hội Long Trì, An Tư, Vũ Như Tô... Nhưng tác phẩm văn chương và báo chí  đều đậm chất sử thi những Sống mãi với Thủ đô, Lũy hoa, Bắc Sơn, Ký sự Cao Lạng... Ông chính là người làm sử bằng văn chương. Văn nghiệp ông, tư tưởng ông đều có cốt cách của người làm sử. Ông là nhà văn nặng lòng với lịch sử đất nước mình. Tôn vinh tư tưởng và hoạt động của Nguyễn Huy Tưởng trong thời điểm này, khi mà người ta ít quan tâm đến lịch sử, khi mà cả xã hội lo ngại về lối sống  xa rời lịch sử nguồn cội của mình, khi sự thờ ơ về bản sắc đang xâm nhập vào nhiều lứa tuổi, nhiều tầng lớp xã hội... Lúc mới 20 tuổi, Nguyễn Huy Tưởng đã từng có câu nói như một tuyên ngôn về lịch sử dân tộc: “Người không biết lịch sử đất nước mình là một con trâu đi cày ruộng. Cày với ai cũng được mà cày ruộng nào cũng được”.

Và trong cái mạch lịch sử ấy, đề tài Hà Nội, văn hiến Thăng Long được Nguyễn Huy Tưởng đặt lên hàng đầu, với những tác phẩm hay nhất, xúc động nhất về lịch sử Thủ đô. Những tiểu thuyết và vở kịch lịch sử Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô, An Tư... là những tác phẩm quan trọng nhất của ông trước cách mạng tháng Tám. Trước đó là những bài báo  có tính chất nghị luận về lịch sử  đậm chất văn chương. Ông từng có những  lúc nuối tiếc cái quãng đứt mạch mấy trăm năm Hà Nội trở lại thủ phủ của xứ, rồi thủ phủ cấp tỉnh.

Và Người đã sung sướng  bao nhiêu khi chính quyền cách mạng một lần nữa "dời đô" về Hà Nội sau Quốc khánh và Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945... Ông là một nhà văn Hà Nội  hơn bất kỳ nhà văn Hà Nội nào. Đất Kẻ Chợ - Kinh Kỳ là tất cả niềm yêu mến tự hào,  và cả xót xa tiếc nuối đến đớn đau. Ông tự hào và tiếc nuối lịch sử. Ông tiếc cho Thăng Long Hà Nội không xây được Cửu trùng đài  và như vậy, không có được vẻ đẹp kỳ vĩ để Thăng long "lộng lẫy nhất trần gian" như Đan Thiềm mơ ước với Vũ Như Tô trong kịch Vũ Như Tô. Và đây trong Sống mãi với Thủ đô, ông đã có những day dứt về Thăng Long - Hà Nội. Câu chuyện của năm nhân vật được nhà văn dựng lên xoay quanh cuộc chiến  chuẩn bị bùng nổ và số phận của Hà Nội trong chiến tranh lửa đạn chính là đoạn văn thể hiện tình yêu của ông và những trăn trở về Hà Nội. Đó là thái độ của tác giả với mảnh đất kinh kỳ yêu dấu. Ông thành công trên nhiều thể loại: kịch, tiểu thuyết, bút ký... và trong di sản văn chương - lịch sử ấy, miền đất Thăng Long Hà Nội nghìn năm văn hiến luôn là miền quan trọng nhất trong các tác phẩm của ông.  Nguyễn Huy Tưởng yêu Hà Nội đến đớn đau, và luôn hy vọng Hà Nội ngày một lung linh hơn, là mảnh đất văn hiến chứa đựng những giá trị văn hóa lớn lao. Nhưng ông cũng từng bực bội, thậm chí nổi giận khi có những ứng xử áp đặt, làm cho thành phố méo mó, kệch cỡm, ông đau đớn khi trông thấy những cảnh chướng tai gai mắt giữa lòng Thủ đô sau hòa bình. Và thái độ ấy đã có lúc làm chính ông đã từng lao đao lận đận vì những  nỗi lo quá sớm cho Hà Nội của mình

Nguyễn Huy Tưởng đi qua cuộc đời như một chiến sĩ của Thủ đô. Còn hơn thế, ông là nhà văn, nhà làm sử, nhà văn hóa của Hà Nội. còn nhớ đi sau quan tài ông trong ngày đưa tiễn nhà văn 52 năm trước, có những người lính của Trung đoàn Thủ đô từng gắn bó với nhà văn từ ngày ông đón đoàn quân chiến thắng trở về  vào mùa thu năm 1954...

Như vậy là tôi tin, sau trăm năm, rồi trăm năm sau Nguyễn Huy Tưởng và tác phẩm của ông vẫn sống cùng Hà Nội. Ông là nhà văn của người Hà Nội, rất xứng đáng Sống mãi với Thủ đô...