Tổng Thư ký Quốc hội điểm tên “những lời hứa” chưa hoàn thành của các Bộ trưởng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, với lĩnh vực Công Thương, cơ chế giá bán lẻ điện chưa đồng bộ với thị trường, cung - cầu điện vẫn còn bất cập, nhiều quy hoạch ban hành chậm so với yêu cầu…
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo trước Quốc hội

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo trước Quốc hội

Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng nay, 6-11, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.

Ông Bùi Văn Cường cho biết, thời gian qua, Chính phủ, các Bộ, ngành đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nghiêm các nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực, được ĐBQH, cử tri, nhân dân, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.

Song bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo từng lĩnh vực; nhiều lời hứa, cam kết của các Bộ trưởng, trưởng ngành đưa ra vẫn chưa thực hiện được.

Chẳng hạn, đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, Tổng Thư ký Quốc hội “điểm tên” nhiều hạn chế như: tỷ lệ các quy hoạch cần hoàn thành còn thấp; tiến độ lập các quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh vẫn còn chậm so với yêu cầu tại Nghị quyết số 41/2021/QH15 và Nghị quyết số 61/2022/QH15. Việc triển khai một số nhiệm vụ thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, tỷ lệ giải ngân thấp…

Đối với lĩnh vực tài chính: chưa ban hành được Quy hoạch tổng thể hệ thống kho dự trữ quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm; việc thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt rất thấp…

Đối với lĩnh vực ngân hàng: việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm; tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng tăng, tới cuối tháng 9 là gần 3,4%, vượt mục tiêu 3% đưa ra từ đầu nhiệm kỳ; việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại nhận chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng yếu kém còn gặp nhiều khó khăn…

Với lĩnh vực Công Thương, Tổng Thư ký Quốc hội chỉ rõ: các quy hoạch về năng lượng, điện và chiến lược xuất nhập khẩu đến 2030 đều ban hành chậm so với yêu cầu của Nghị quyết 134/2020 của Quốc hội. Cùng đó, cơ chế giá bán lẻ điện chưa đồng bộ với thị trường điện; cung - cầu điện vẫn còn bất cập. Nhiều dự án thủy điện chưa chấp hành các quy định về xây dựng, quy hoạch, môi trường. Tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu còn diễn biến phức tạp…

Hay đối với lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Cường, dù được coi là trụ đỡ nền kinh tế nhưng hiện Bộ NN&PTNTT chưa ban hành được quy hoạch ngành tới 2030, tầm nhìn 2050. Số hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số còn thấp.

Việc sắp xếp, chuyển đổi các công ty nông, lâm nghiệp còn chậm so với yêu cầu của Nghị quyết số 134/2020…