Tổng Bí thư dự hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách đầu tiên của Quốc hội khóa XV

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 28-3, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách lần đầu tiên của Quốc hội khóa XV đã khai mạc, với sự tham dự của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị

Nhằm chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV, sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định triệu tập Hội nghị ĐBQH chuyên trách để thảo luận về 04 dự án luật. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, diễn ra trong 02 ngày và được tổ chức theo hình thức tập trung tại Hội trường Diên Hồng kết hợp trực tuyến qua phần mềm cài đặt trên thiết bị iPAD của ĐBQH.

Theo Chủ tịch Quốc hội, kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sắp tới có nội dung trọng tâm về công tác lập pháp. Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, tại phiên họp thứ 8 và thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian cho ý kiến toàn diện các dự án Luật, nhất là các vấn đề lớn, quan trọng và các vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Tại hội nghị ĐBQH chuyên trách này, các ĐBQH sẽ tiếp tục thảo luận, cho ý kiến vào 4 dự thảo luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở: Mặc dù là Luật sửa đổi, bổ sung nhưng có đến hơn 100 điều của Luật hiện hành phải sửa đổi; đồng thời, còn điều chỉnh một số quy định tại 4 luật khác có liên quan.

Do đó, việc ban hành Luật sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội cho biết, dự án Luật này có phạm vi điều chỉnh rất rộng, việc sửa đổi đòi hỏi phải được thực hiện một cách thận trọng, kỹ lưỡng, có tính tổng thể để bao quát hết các lĩnh vực, các đối tượng thi đua, khen thưởng.

Thứ ba, về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, điện ảnh là một loại hình văn học nghệ thuật; công nghiệp điện ảnh là một ngành kinh tế.

Luật Điện ảnh được sửa đổi toàn diện. Chủ tịch Quốc hội gợi mở các ĐBQH tập trung thảo luận vào một số nội dung: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; Cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; Sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước; Phổ biến phim trên không gian mạng;...

Thứ tư, về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), đây là dự luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2 theo hướng sửa đổi toàn diện. Đến nay, dự thảo Luật đã cơ bản được hoàn thiện.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị ĐBQH phát biểu tập trung, sâu hơn về các vấn đề: Các quy định về các loại hình bảo hiểm; các hình thức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, về đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; Quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm bao quát đầy đủ các trường hợp phát sinh…