Tội phạm tham nhũng nghỉ hưu không thoát

ANTĐ - Hôm qua, 24-7, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời trực tuyến về nhiều vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm.

Cần nâng cao nghiệp vụ của công chứng viên và các văn phòng công chứng 

nhằm phát hiện những trường hợp sử dụng giấy tờ giả

- Hiện nay, có hiện tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng “sổ đỏ” giả thông qua hợp đồng có công chứng, Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này?

- Đúng là có những trường hợp lừa đảo để chiếm đoạt tài sản người khác thông qua những hợp đồng có công chứng như vậy. Do cán bộ công chứng, kể cả văn phòng công chứng nghiệp vụ còn non kém, chưa có máy móc phát hiện giấy tờ giả. Thêm nữa, kết nối thông tin giữa các tổ chức hành nghề công chứng với các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch chưa được thông suốt, nên có hiện tượng lợi dụng mang giấy tờ giả đến công chứng. Thậm chí, có trường hợp cố ý tiếp tay cho những người lừa đảo. Thực tế, có trường hợp đã bị khởi tố hình sự. Chúng tôi cũng đã đề xuất với Chính phủ ban hành quy định mới theo hướng đảm bảo kết nối các dữ liệu thông tin, để kiểm tra chéo. Bộ cũng khuyến khích cho phép thành lập Hội Công chứng để tự giám sát về đạo đức nghề nghiệp, không tiếp tay cho lừa đảo.

- Pháp luật quy định bãi bỏ việc bắt buộc yêu cầu công chứng đối với một số dạng hợp đồng, giao dịch về nhà đất, vậy tại sao trong thực tiễn chưa thực hiện?

- Đúng là Nghị quyết của Chính phủ đã quy định bãi bỏ, tuy nhiên, cần nghiên cứu, sửa đổi các luật có liên quan như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Bộ luật Dân sự... Do đó, phải trình Quốc hội sửa đổi các luật này. Cho đến khi các luật chưa được sửa đổi, bổ sung thì việc công chứng bắt buộc đối với các loại hợp đồng, giao dịch về nhà đất vẫn thực hiện theo pháp luật hiện hành. Đối với các hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến việc định đoạt quyền sở hữu như mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn về nhà đất, tiềm ẩn nhiều rủi ro tranh chấp phát sinh, vẫn cần thiết bắt buộc phải công chứng để bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên ký kết hợp đồng.

- Khi nào mới có thể áp dụng hình thức truy tố đến cùng người phạm tội (Ví dụ như tham nhũng) dù người đó đã nghỉ hưu, chuyển công tác?

- Bộ luật Hình sự đã xác định rõ thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng... là từ 10 năm đối với các tội nghiêm trọng, 15 năm đối với các tội rất nghiêm trọng, 20 năm đối với các tội đặc biệt nghiêm trọng, tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Việc nghỉ hưu, chuyển công tác... đều không được coi là lý do, điều kiện miễn trách nhiệm hình sự. Nếu người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có lệnh truy nã thì thời gian trốn tránh không được tính vào thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự nói trên.

- Dư luận gần đây quan tâm vấn đề có công nhận mại dâm là một nghề hay không? Ý kiến cá nhân của Bộ trưởng?

- Có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất, nên công nhận mại dâm là một nghề với quy chế quản lý đặc thù. Nếu làm như thế sẽ dễ dàng hơn trong việc cung cấp các dịch vụ y tế, ngăn ngừa bệnh lây lan qua đường tình dục, phòng, chống buôn bán phụ nữ và các tội phạm khác liên quan. Nhưng đây là vấn đề lớn, liên quan đến truyền thống, đạo đức, văn hóa xã hội. Vì vậy, có luồng ý kiến thứ 2 không đồng tình quan điểm trên. Tôi cho rằng, phải tiếp tục có những nghiên cứu rất thấu đáo trên tất cả các phương diện về đạo đức, xã hội, kinh tế, pháp luật và quyền con người thì mới có thể có ý kiến chính thức theo phương án nào.

- Thưa Bộ trưởng, kể cả không hợp thức hóa thì mại dâm vẫn tồn tại?  

- Mại dâm là một hiện tượng xã hội và dù muốn hay không thì nó vẫn tồn tại cùng xã hội. Có lẽ, đã đến lúc, cần có sự thay đổi trong thái độ đối xử với người bán dâm theo hướng tăng cường các giải pháp kinh tế - xã hội phù hợp hơn là biện pháp mang tính chế tài tư pháp để giải quyết vấn đề. Với việc bỏ biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh đối với người bán dâm trong Luật Xử lý vi phạm hành chính vừa được Quốc hội thông qua, chúng ta cũng đã có cách nhìn nhận cởi mở hơn về vấn đề xã hội này.

- Quan điểm của Bộ trưởng về việc có công nhận hay không hôn nhân đồng tính?

- Hiện có 2 luồng ý kiến. Thứ nhất, đã đến lúc phải nhìn nhận thực tế. Từ năm 1990, Tổ chức Y tế Thế giới đã loại đồng tính ra khỏi danh sách bệnh, không phải chữa trị và không thể chữa trị. Luồng ý kiến thứ 2 là không đồng ý. Tôi cho rằng, việc công nhận hay không cần phải dựa trên những nghiên cứu cơ bản, những đánh giá tác động nghiêm túc trên rất nhiều khía cạnh xã hội và pháp lý như quyền tự do cá nhân, sự tương thích với văn hóa, tập quán của xã hội và gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm, hậu quả xã hội của quy định pháp luật...