- Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
- Vạch trần các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của tội phạm sử dụng công nghệ cao
Đáng chú ý số vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao tăng 462 vụ so với cùng kỳ năm 2023 và có 451 vụ lừa đảo sử dụng công nghệ cao tính chất rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; các đối tượng chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.
Điển hình như vụ việc xảy ra tại quận Hà Đông vào ngày 5-4. Bà P (SN 1956) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói Căn cước công dân của bà P có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, rửa tiền.
Cơ quan công an ghi lời khai một bị hại của tội phạm lừa đảo công nghệ cao |
Nếu bà P không chứng minh được mình không liên quan thì vài ngày nữa sẽ bắt bà. Do lo sợ nên bà P đã chuyển tiền vào tài khoản của các đối tượng để xác minh. Bà P đã thực hiện 32 lần chuyển khoản với tổng số tiền là 15 tỷ đồng.
Liền sau đó, ngày 5-5, một bà cụ khác ở quận Tây Hồ cũng bị chiếm đoạt số tiền lớn. Theo đơn trình báo của bà T (SN 1947), bà T nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an quận Hoàn Kiếm nói bà đang nợ ngân hàng 63 tỷ đồng. Sau đó đối tượng yêu cầu bà chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng để xác minh. Do lo sợ bà T đã chuyển khoản 6 lần với tổng số tiền gần 18 tỷ đồng cho đối tượng.
Người dân cần cảnh giác với các cuộc gọi mạo danh cơ quan tư pháp, cơ quan Nhà nước... |
Thủ đoạn nổi lên là các đối tượng giả danh Cảnh sát khu vực, cán bộ địa chính, bảo hiểm xã hội… yêu cầu người dân truy cập vào các đường link, website giả mạo cổng dịch vụ công quốc gia đăng ký, kê khai bổ sung các thông tin, tài khoản định danh điện tử để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Cơ quan công an các cấp đã sử dụng nhiều biện pháp phòng ngừa, trong đó đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền đến địa bàn cơ sở. Thông qua các phương tiện truyền thông, lực lượng công an đồng thời đề nghị người dân nâng cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, tin nhắn có liên quan tới cán bộ của các cơ quan chức năng; khuyến cáo không làm việc, không cung cấp thông tin cá nhân và cũng không làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Đồng thời, liên hệ với các cơ quan chức năng, có thẩm quyền để xác minh về người gọi điện.
Cùng với đó, cảnh giác với những yêu cầu cài đặt phần mềm. Tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn, không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk. Khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, người dùng cũng nên đọc kỹ thông tin, đừng vội đồng ý tất cả các điều khoản. Chỉ truy cập, tải và cài đặt ứng dụng chính thức thông qua Google Play và Apple Store, kiểm tra thông tin tác giả (nhà phát triển).
Nên sử dụng những phương thức bảo vệ tài khoản sinh trắc học như vân tay, nhận diện khuôn mặt... để đăng nhập ứng dụng ngân hàng và các ứng dụng thanh toán khác. Không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên các phần mềm ứng dụng của điện thoại.
Lực lượng công an đã phối hợp tuyên truyền đến nhân viên các phòng giao dịch ngân hàng, chặn những giao dịch chuyển tiền có dấu hiệu nghi vấn. Ngân hàng Nhà nước cũng đặt ra quy định phải xác thực khuôn mặt khi chuyển số tiền hơn 10 triệu đồng. Dù vậy, vẫn nhiều người mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Thực tế hiện nay, các đối tượng lừa đảo công nghệ cao thường nhắm vào đối tượng người già, ít hiểu biết, do đó, không chỉ lực lượng công an tuyên truyền mà trong chính mỗi gia đình, người thân cũng cần chủ động cảnh báo về tội phạm lừa đảo công nghệ cao, kiểm soát tài khoản của người cao tuổi để hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro trong trường hợp không may gặp đối tượng lừa đảo.