Tôi tên là Nguyễn Thị Hòa, SN 1966 tại Cao Lãnh - Đồng Tháp, nhưng khi ở tuổi sung sức thanh niên, tôi cùng gia đình đã chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống và lập nghiệp. Cũng giống như bao người đàn bà khác, luôn khát khao tổ ấm, hạnh phúc gia đình, tôi lập gia đình ở độ tuổi đôi mươi với ước mong được cùng người bạn đời xây dựng ngôi nhà nhỏ và nuôi dạy những đứa con bé bỏng nên người.
4 người con của tôi lần lượt chào đời, chúng là ánh sáng trong ngôi nhà nhỏ bé, chật chội của vợ chồng tôi giữa lòng thành phố xô bồ, náo nhiệt bậc nhất xứ sở nhiệt đới này. Cũng bởi cuộc sống gia đình khó khăn, nên chưa hết ngày ở cữ sau kỳ sinh nở, tôi tiếp tục lao ra chợ, tìm nguồn hàng trái cây, mua bán kiếm lời lấy tiền nuôi các con. Có thể, cả ngày tôi đầu tắt mặt tối ngoài chợ, tối đến trở về nhà bận bịu chuyện con cái, cơm nước, mà quên mất một người chồng luôn khao khát hơi ấm vợ chồng.
Ban đầu tôi không thừa nhận sự lơ là, xao nhãng của bản thân dành cho anh. Chỉ tới khi biết chắc chắn trái tim người tài xế luôn bay bổng của anh phiêu dạt và dành cho một người đàn bà khác, tôi mới bừng tỉnh và ê chề trong nỗi đau của người phụ nữ bị chồng phụ bạc. Tất cả van lơn, thậm chí tôi quỳ xuống chân anh, xin anh trở về với vợ con không dẫn đường cho trái tim anh trở lại. Đã có lúc tôi tiêu cực tới mức nghĩ rằng chỉ cần một phút liều mạng, ôm đứa con út lao đầu vào ô tô thì tất cả bi kịch, đau đớn, dằn vặt về tâm hồn kia sẽ kết thúc. Nhưng, xét cho đến cùng, tôi là mẹ, tôi không thể gục ngã và liên lụy tới cuộc đời của các con. Tự nhủ lòng, tôi gắng gượng học làm quen với cuộc sống của người phụ nữ đơn thân. Vậy là, tôi bước ra khỏi hôn nhân khi con trai út của tôi mới tròn 3 tuổi.
Ảnh minh họa
Không có bất cứ thứ tài sản gì trong tay ngoài 4 đứa con cần phải chăm nom, săn sóc, tôi dặn mình phải vững vàng, không được phép gục ngã, bỏ cuộc. Tôi cần phải nuôi dạy các con nên người. Nhưng, cuộc sống luôn có sự cách biệt giữa niềm mong mỏi với hiện thực. Hàng ngày, dù cố gắng, làm việc tới 150% sức lực, nhưng một mình tôi không thể đảm đương việc nuôi dạy các con chu đáo. Giấc mơ nuôi các con học hành chỉn chu, đầy đủ không thành hiện thực, chúng đều đứt gánh tri thức khi tuổi đời mới 12, 13. Điều đó luôn trở thành nỗi ân hận, day dứt của người làm mẹ như tôi.
Trong số 4 người con, đứa con út tên Huỳnh Hoàng Lễ được tôi yêu thương, cưng chiều hơn cả. Bởi nó vừa là con út, lại thiếu thốn tình yêu thương, chăm sóc của cha từ nhỏ nên hầu như, tôi chưa bao giờ khước từ bất cứ lời đề nghị nào của con. Tôi vô tư nghĩ rằng chỉ cần mình chiều chuộng, đáp ứng tất cả mọi yêu cầu của con thì sẽ mang tới cho nó hạnh phúc. Nhưng tôi đã sai lầm. Sự sai lầm ấy chỉ được phát hiện khi con trai tôi đòi bỏ học và có dấu hiệu của một người nghiện hút. Chết điếng người, trong khi tôi cặm cụi kiếm từng đồng bạc lẻ ngoài chợ trái cây, thì con trai tôi tụ tập, đàn đùm bạn bè và mắc nghiện. Cai nghiện cả chục bận cho con, nhưng không lần nào nó dứt bỏ khỏi thứ ma túy chết người đó.
Tôi nghe người ta bảo, ma túy giống như một kẻ giết người tàn nhẫn. Một khi nó xâm nhập vào ai thì người ấy trở nên thân tàn ma dại. Từ nỗi sợ mơ hồ ấy, trong cả giấc mơ, tôi hình dung ra cảnh tượng vì không có tiền chích thuốc, thằng Lễ nhà tôi đi trộm cắp, cướp vặt và bị người ta tóm được. Người ta đánh nó tới mức máu ở mũi, ở miệng đua nhau chảy xuống. Tôi sợ con mình sẽ lâm vào tình cảnh bi đát trong giấc mơ kinh hoàng kia, nên mỗi ngày, tôi cho nó 20 nghìn để mua thuốc thỏa mãn cơn nghiện. Tôi không biết rằng lòng thương con mù quáng, cùng hành động tai hại kia đã đẩy thêm nó vào chỗ chết và rời xa tôi vĩnh viễn.
Khi thằng út nói với tôi nó đã bị nhiễm HIV, tôi gục xuống nền đất, đôi mắt nhìn chòng chọc lên trần nhà. Một người đàn bà ít học như tôi cũng hiểu rằng, nhiễm HIV đồng nghĩa với sự chết chóc. Nó là căn bệnh thế kỷ mà nhân loại chưa tìm ra cách hóa giải. Không biết tự lúc nào, thằng Lễ nhà tôi dính vào căn bệnh này, theo lý giải mơ hồ của nó, "có lẽ vì dùng chung kim tiêm với bạn nghiện nhiễm H". Thương con, giận con bao nhiêu, tôi giận mình, trách mình bấy nhiêu. Mấy đứa con khác của tôi biết chuyện tôi tiếp tay làm hư cho đứa út, chúng trách tôi nhiều lắm. Tôi phân trần trong nước mắt: "Mẹ thương nó, sợ nó chết đường chết chợ" nên mới cho nó tiền, nào ngờ cơ sự bi đát hôm nay".
Chúng tôi quyết định gửi nó đi cai nghiện ở Củ Chi với hi vọng môi trường an toàn hơn, trong sạch hơn sẽ giúp nó trở thành người tử tế muộn mằn trong khoảng thời gian ít ỏi còn lại của cuộc đời. Hàng tháng, tôi vẫn lên thăm con. Lần gặp sau thấy con khỏe mạnh, mập mạp hơn lần gặp trước lại còn tíu tít khoe cắt được cơn vật, lòng tôi mở cờ trong bụng. Chút hi vọng nhen nhóm tưởng như chìm khuất vào bóng tối trong lòng tôi le lói hiện lên. Bước chân ra khỏi trường cai nghiện, con trai tôi bước vào cuộc sống mới trong vòng tay chào đón, yêu thương của tôi và các anh chị nó.
Nhưng, không phải ngẫu nhiên người ta gọi chất gây nghiện chết người kia là Ma Túy. Thứ độc dược ấy một khi đã ngấm vào người sẽ tạo thành một vết khắc trong trí nhớ và có khả năng điều khiển lý trí của con nghiện. Giống như những con nghiện khác, con trai tôi tái nghiện và quay lưng với tất cả nỗ lực, cố gắng, kỳ vọng của tôi. Ngọn lửa này bị dập tắt, tôi lại kỳ công nhen lên ngọn lửa khác. Tôi cùng các con khuyên thằng Lễ đi cai nghiện ở Bình Phước. Không hiểu, trong một lần tới thăm con, nghe nó tỉ tê, làm mủi lòng thương mù quáng, tôi gật đầu đồng ý đưa "hàng" vào trại cai nghiện cho nó. Đơn giản, tôi nghĩ rằng: "Lâu lâu mới được hút hít một chút chắc không ảnh hưởng gì. Thôi thì đã thương thì thương cho trót". Chính vì cái sự "trót" ấy, tôi đã hủy hoại cuộc đời con tôi và tự đưa chân vào con đường tù tội.
Trong lần tới trung tâm cai nghiện ở Bình Phước thăm con, tôi giấu một cục heroin ở gan bàn chân, lấy băng dính cột chặt lại và đi dép như bình thường. Sau lần tuồn "hàng" trót lót ấy, thi thoảng mủi lòng trước sự cầu khẩn của con, tôi lặp lại chiêu trò cũ và qua được hàng rào bảo vệ. Sau này, con trai tôi bị phát hiện và bị khởi tố. Nó bị kết án 15 năm tù và đưa đi cải tạo ở trại giam Gia Trung (Gia Lai), tội tiếp tay của tôi cũng bị đưa ra ánh sáng và bị tuyên phạt 7 năm tù. Con trai đi tù, tôi cũng đi tù thì lấy ai thăm nuôi nó. Tôi xin hoãn thi hành án và may mắn được các cấp chính quyền chấp thuận. Cho tới năm 2008, tôi mới xin đi trả án, khi con trai tôi tạm yên ổn ở trong trại giam Gia Trung sám hối cho những lỗi lầm trong quá khứ.
Hàng ngày, tôi vẫn kể cho các bạn tù nghe về hoàn cảnh gia đình tôi. Kể về bài học đắt giá tôi gánh chịu chỉ vì nhân danh lòng thương con của người mẹ. Nhưng, lòng thương ấy đã đi nhầm đường, chọn nhầm hướng và kết cục là cả hai me con đều chung số phận tù tội. Mãi tới gần đây, tôi mới biết con trai út - đứa con quý tử tôi giận nhất và cũng thương nhất không còn trên cõi đời này nữa. Nó chết từ năm 2010 khi đang thụ án ở trại Gia Trung bởi căn bệnh HIN/ phá hủy, ăn mòn, đày đọa thể xác, nhưng các con giấu tôi, sợ tôi không đủ sức chịu đựng nỗi đau trong hoàn cảnh bi thương tù tội. Con chết trong tù, không có mẹ và các anh chị ở bên - ngẫm vậy thôi tôi đã ứa nước mắt xót xa.
Có đêm, tôi tưởng tượng về bức di ảnh trên bàn thờ và đau đớn, xót xa bởi "lá vàng lại tiễn lá xanh". Đáng lẽ ra, nếu tôi không quá nuông chiều con, theo sát từng bước chân con, biết quan tâm và yêu thương đúng cách thì con tôi biết đâu đã xa rời được ma túy, trở về sống an bình bên tôi và các anh chị của nó... Và nếu thế gia đình tôi đã không lâm vào bi kịch đau lòng như vậy.
Đã có lúc nỗi đau tưởng như giết chết con người tôi, nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của các thầy cô - cán bộ quản giáo, tôi hiểu rằng mình phải cải tạo tốt, sớm trở về nhang khói cho đứa con xấu số - khúc ruột nhức nhối của cuộc đời tôi.
Ghi theo lời kể phạm nhân Nguyễn Thị Hòa, thụ án trại giam Đắk Trung