Toan tính thực sự của Thổ Nhĩ Kỳ khi đánh tiếng 'rời khỏi NATO'

ANTD.VN - Thổ Nhĩ Kỳ có thực sự muốn rời khỏi NATO như một số ý kiến xuất hiện gần đây, hay đó chỉ là biện pháp gây áp lực?

Thời gian vừa qua tại Thổ Nhĩ Kỳ xuất hiện ngày càng nhiều lời kêu gọi hay rời khỏi NATO, hủy bỏ thỏa thuận mua tiêm kích F-16, đóng cửa các căn cứ quân sự, cũng như ngừng đưa quân ra nước ngoài...

Liệu đây có phải là mong muốn thực sự của Thổ Nhĩ Kỳ hay chỉ là toan tính của Tổng thống Erdogan nhằm gây sức ép lên Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương.

Theo ông Murad Sadygzade - Chủ tịch hiệp hội Trung Đông, giảng viên Trường Kinh tế Đại học Quốc gia Moskva trong cuộc trò chuyện với tờ PolitExpert (PE) đã nói rằng những lời kêu gọi như vậy đã được nghe thấy ở Thổ Nhĩ Kỳ nhiều lần trong vài năm qua.

“Tôi không nói rằng những người theo chủ nghĩa dân tộc của Thổ Nhĩ Kỳ là lực lượng có ảnh hưởng lớn. Đây là phong trào chính trị được một bộ phận người dân đồng tình, tuy nhiên đó chỉ là thiểu số".

"Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ có mối quan hệ tốt với Nga, nhưng chắc chắn Tổng thống Erdogan và đảng cầm quyền sẽ không rời bỏ NATO chỉ để hợp tác cùng Moskva”, ông Sadygzade nhận xét.

Nhà khoa học chính trị người Nga tin chắc rằng tại thời điểm này, việc Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức trưng cầu dân ý về việc rút khỏi NATO dường như không thực tế.

Chính sách của Tổng thống Erdogan trong 20 năm qua dựa trên nỗ lực cân bằng trong không gian địa chính trị nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia. Việc cắt đứt quan hệ với NATO sẽ tước đi một quân cờ quan trọng của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ trên bàn cờ quốc tế.

“Nếu như Tổng thống Erdogan trong 10 năm cầm quyền đầu tiên đã gặp phải nhiều khó khăn trong việc đảm bảo chủ quyền và thực thi chính sách đối ngoại độc lập, thì giờ đây mọi việc đã khác".

"Ông Erdogan đã củng cố vị thế của mình và đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, không chỉ về kinh tế mà còn cả chính trị, đến mức theo đuổi mục tiêu chính sách công bằng dựa trên chủ quyền, điều mà nhiều quốc gia ghen tị”, chuyên gia Sadygzade nói rõ.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn chế ngự được NATO, ông Erdogan được nhận xét đã khéo léo điều khiển Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, chèo lái quan hệ phức tạp nhất theo hướng có lợi cho mình.

Mặc dù tồn tại những bất đồng với các thành viên khác của NATO nhưng Ankara vẫn duy trì tư cách để nhận được công nghệ và hỗ trợ quân sự cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng của mình.

Nếu NATO đòi hỏi quá nhiều, thậm chí áp đặt biện pháp trừng phạt như sau khi Ankara mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga, thì Tổng thống Erdogan vẫn có cách gây áp lực lên phương Tây, khi họ chi phối nhiều lợi ích.

“Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng tận dụng tối đa tình hình. Một mặt, họ truyền cảm hứng cho niềm tin nhất định vào Nga - đất nước mà Ankara có mối quan hệ thân thiết, mặt khác họ vẫn cân bằng với Mỹ", chuyên gia Sadygzade lưu ý.

Giờ đây khi Mỹ cố gắng gây sức ép bằng việc trì hoãn cung cấp tiêm kích F-16 nhằm buộc Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp "thị thực" cho Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, thì một lần nữa Ankara vẫn là người chiến thắng.

Chuyên gia Sadygzade tin rằng Washington cuối cùng sẽ phải bàn giao các tiêm kích F-16 cho Ankara, bởi vì cố gắng gây áp lực lên Tổng thống Erdogan đầy cứng rắn sẽ phản tác dụng đối với Mỹ.

Tổng thống Erdogan được nhận xét là bậc thầy trong các "trò chơi chính trị". Năm 2016, ông ấy đã biến khó khăn với dòng người tị nạn Trung Đông thành lợi thế của mình, để nhận được hỗ trợ tối đa từ Liên minh Châu Âu.

Giờ đây, ông Erdogan đang sử dụng vướng mắc với Phần Lan và Thụy Điển làm con át chủ bài nhằm tạo ưu thế cho mình trước cuộc bầu cử, khi cho thấy bản thân là con người cứng rắn.

Rất có thể ông ta sẽ nhận được nhượng bộ từ hai quốc gia Scandinavia trong vấn đề người Kurd, Ankara sẽ cho họ cơ hội nhận tấm vé gia nhập NATO đáng mơ ước, trong khi vẫn giữ được tư cách thành viên của tổ chức này.

“Tôi không nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ thực sự muốn rời khỏi NATO, đây chỉ là công cụ chính trị để thu hút cử tri theo chủ nghĩa dân tộc nhằm truyền tải thông điệp đó là chúng ta đủ mạnh để theo đuổi chính sách độc lập, không giống như Hy Lạp và các đối thủ khác".

"Ngoài ra Ankara có vẻ cũng muốn nói với phương Tây: chúng tôi đang tham gia NATO với tư cách đội quân hùng mạnh thứ hai của khối, cho nên ý kiến ​​​​của chúng tôi phải được tính đến”, nhà khoa học chính trị Sadygzade kết luận.