Tổ trưởng dân phố, Trưởng thôn bị ‘cho thôi’ khi nào, hưởng lương bao nhiêu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố có nhiệm kỳ bao lâu, mức lương được hưởng, các trường hợp cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố ?

Theo khoản 1 Điều 9 Nghị định 59/2023/NĐ-CP, việc cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố được quyết định tại cuộc họp của cộng đồng dân cư đối với các trường hợp:

Người xin thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố vì lí do sức khỏe, do hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác theo nguyện vọng cá nhân có đơn gửi Chủ tịch UBND cấp xã nêu rõ lí do xin thôi;

Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn, tổ dân phố đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã xem xét cho thôi trong trường hợp:

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố không còn được nhân dân tín nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, tham nhũng, lãng phí, không phục tùng sự chỉ đạo điều hành của UBND cấp xã, các quy định của cấp trên, vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

Hoặc khi có ít nhất 50% tổng số hộ gia đình hoặc đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố kiến nghị.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua, UBND cấp xã xem xét, ra quyết định công nhận kết quả cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố.

Trường hợp không ban hành quyết định công nhận kết quả cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp cuộc họp không thống nhất được việc cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì UBND cấp xã xem xét, quyết định sau khi thống nhất với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, UBND cấp xã quyết định việc tiến hành bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố mới.

Ngoài nội dung trên, nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố được quy định tại Thông tư số 14/2018/TT-BNV. Cụ thể là 2,5 năm hoặc 5 năm tuỳ thuộc vào quy định của UBND cấp tỉnh sau khi căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương.

Riêng trường hợp thôn mới hoặc tổ dân phố mới được thành lập hoặc thôn, tổ dân phố đó thiếu chức danh Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố thì thời hạn mà Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố lâm thời là không quá 6 tháng kể từ khi có quyết định cử lâm thời.

Về chế độ phụ cấp cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, theo Điều 13 Thông tư 04/2012/TT-BNV, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố. Do đó, những người này sẽ được hưởng phụ cấp hàng tháng do HĐND cấp tỉnh quy định căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương.

Quỹ khoán này được áp dụng cho tất cả các chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn gồm: Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác mặt trận, Bí thư chi bộ.

Căn cứ Điều 14 Thông tư 03/2019/TT-BNV và Nghị định 33/2023/NĐ-CP, từ 1-8, mức khoán quỹ phụ cấp cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố dao dộng từ 8,1-10,8 triệu đồng/tháng tuỳ theo địa bàn.