Tổ hợp Vilkha-M đầy bí mật của Kyiv còn tốt hơn HIMARS 'được khoe khoang'

ANTD.VN - Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt Vilkha-M của Ukraine là vũ khí đầy bí ẩn và không được quảng cáo "hoành tráng" như HIMARS của Mỹ hay Tornado-S của Nga, song uy lực của nó cũng rất đáng sợ.

Vilkha-M của Ukraine được phát triển mà không có nhiều sự phô trương. Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt có dẫn đường này là bản sửa đổi từ BM-30 Smerch, thời Liên Xô.

Phạm vi hoạt động của quả đạn tên lửa với chiều dài 7,6 m và đường kính 300 mm này là hơn 110 km. Theo ông Vinnyk - Phó chủ tịch thứ nhất của Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng Ukraine, vũ khí trên có độ chính xác rất cao.

Nếu so sánh Vilkha-M với tên lửa GMLRS dành cho tổ hợp M142 HIMARS chúng ta sẽ thấy sự khác biệt. Ví dụ, vũ khí của Mỹ có tầm bắn 80 km và đường kính quả đạn là 227 mm.

Theo ông Vinnyk, Vilkha-M đóng vai trò quan trọng trong lực lượng pháo binh Ukraine, tổ hợp này đã hoạt động tích cực từ tháng 5 năm ngoái. Ukraine chỉ có 100 đơn vị đạn tên lửa loại này trong kho.

Ông Vinnyk còn nói thêm về bí quyết tạo ra độ chính xác của Vilkha-M. Thiết kế của tên lửa bao gồm hàng chục lỗ nhỏ giải phóng nhiên liệu, chúng được gọi là “bánh lái ga”.

Và theo ông Vinnyk, chi tiết trên chính xác là thứ đảm bảo đòn đánh chính xác của một cuộc tấn công. Bằng cách giải phóng nhiên liệu qua các lỗ nhỏ và sử dụng GPS, tên lửa được dẫn đường tới mục tiêu.

Hiện tại, ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine đang nỗ lực cải tiến Vilkha-M để cung cấp tầm bắn mở rộng lên tới 150 km.

Tuy nhiên, khi nào chúng sẽ sẵn sàng, được đặt ở đâu và số lượng bao nhiêu thì không có thông tin. Theo ông Vinnyk, Vilkha-M có thể tham gia tác chiến ở khu vực phía nam Biển Azov.

Đáng chú ý là nếu đạt được tầm bắn mở rộng 150 km, Vilkha-M sẽ có tầm xa tương đương với đạn GMLRS-ER tối tân nhất mà Quân đội Mỹ cũng chỉ mới được trang bị thời gian gần đây.

Có khá nhiều điểm tích cực trong toàn bộ câu chuyện nói trên. Một trong số đó là bất chấp tình trạng khó khăn, công nghiệp quốc phòng Ukraine vẫn có thể phát triển. Ít nhất Vilkha-M là bằng chứng cho điều đó, dù số lượng có hạn.

Tuy nhiên thông tin trên sẽ cần được kiểm chứng, báo chí nước ngoài đã so sánh trường hợp Vilkha-M với Tornado-S của Nga, khi cả hai hệ thống pháo phản lực phóng loạt này đều lấy HIMARS làm "hệ quy chiếu".

Phía Nga khẳng định các tổ hợp pháo phản lực dẫn đường Tornado-S của mình vượt trội HIMARS về tất cả mọi thông số cơ bản, tuy nhiên thực tế đóng góp của vũ khí trên trong Quân đội Nga là cực kỳ mờ nhạt.

Chính vì vậy, chưa có gì đảm bảo Vilkha-M của Ukraine sẽ tránh được "vết xe đổ" của Tornado-S, đặc biệt khi tiềm lực và điều kiện sản xuất đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Kyiv hiện nay đều kém xa Nga.

Ukraine rất khó sản xuất thêm vũ khí công nghệ cao khi các nhà máy của họ đã bị phá hủy nặng nề, chứ chưa nói đến việc nghiên cứu và cải tiến trang bị - bởi điều này sẽ yêu cầu quá trình thử nghiệm đầy nghiêm ngặt và phức tạp.