Tổ hợp Polonez-M của Belarus có thể xuất hiện trong lực lượng vũ trang Nga?

ANTD.VN - Tổ hợp pháo phản lực dẫn đường Polonez-M của Belarus đang thu hút sự quan tâm lớn từ báo chí Nga.

Gần đây, một trong những đơn vị pháo binh của lực lượng vũ trang Belarus đã nhận được các tổ hợp pháo phản lực phóng loạt V-300 Polonez-M cải tiến, có tính năng kỹ chiến thuật được đánh giá rất cao.

Sau đó, các cuộc thảo luận lại xuất hiện trên báo chí nga về tính khả thi của việc trang bị hệ thống vũ khí này cho Quân đội Nga. Viễn cảnh trên liệu có thể trở thành hiện thực, có một vài yếu tố quan trọng sau đây.

Vấn đề đầu tiên cần lưu ý rằng đó là tổ hợp pháo phản lực phóng loạt (MLRS) Polonez và phiên bản hiện đại hóa Polonez-M là sản phẩm do Belarus phát triển, nhưng sử dụng tên lửa và một số công nghệ khác của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, vẫn chưa rõ mức độ nội địa hóa các thành phần cốt lõi của tổ hợp MLRS này trên lãnh thổ Belarus đã được bao nhiêu phần trăm, bởi vũ khí gốc Trung Quốc chế tạo có công nghệ khá cao.

Xe chiến đấu của hệ thống V-300BM đặt trên khung gầm xe tải việt dã MZKT-7930, được thiết kế để vận chuyển tên lửa và thực hiện thao tác phóng đạn, Trên mỗi xe có 8 ống phóng tên lửa loại A200 và A300 của Trung Quốc cỡ nòng 300 mm.

Những loại đạn trên đã được Belarus nội địa hóa thành V200 (tầm xa 50 - 200 km) và V300 (tầm xa 120 - 300 km), quá trình này diễn ra tại Nhà máy Cơ điện chính xác. Nhưng điểm thu hút chú ý không chỉ ở cỡ nòng, khác với loại đạn 300 mm thông thường của Liên Xô/Nga.

Lực lượng vũ trang Nga đang yêu cầu rất nhiều tổ hợp MLRS mới, nhưng không phải cho các cuộc duyệt binh và diễn tập, mà để sử dụng trong chiến đấu, họ cần hàng trăm phương tiện mang phóng và hàng nghìn tên lửa.

Hiện chưa rõ sản phẩm này có thể được sản xuất ở Belarus với số lượng bao nhiêu và trong khung thời gian nào, nhưng nhiều khả năng Minsk khó lòng đáp ứng nổi đòi hỏi từ phía Moskva.

Ngoài ra nhà sản xuất Trung Quốc có thể không tán thành sự hợp tác như vậy vì lo ngại họ sẽ gặp vấn đề với các lệnh trừng phạt của phương Tây nếu hợp tác quân sự cùng với Nga.

Hơn nữa, tổ hợp công nghiệp quân sự Nga có lẽ cũng sẽ không vui nếu các đối tác tại Belarus lại nhận được một phần số tiền tương đối lớn mà lẽ ra họ có thể hấp thụ toàn bộ.

Vì vậy rất khó có thể mong đợi sự xuất hiện của những hệ thống pháo phản lực dẫn đường tầm xa với khả năng tấn công rất chính xác này trong Quân đội Nga vào một tương lai trước mắt.

Để thay thế cho Polonez-M, ngành công nghiệp quốc phòng Nga hoàn toàn có thể đẩy mạnh việc sản xuất những tổ hợp Tornado-S, vẫn được quảng cáo là "độc nhất vô nhị" và "tiên tiến nhất thế giới".

Nếu những gì ngành công nghiệp quốc phòng Nga quảng cáo là đúng thì tổ hợp Tornado-S của họ có tính năng kỹ chiến thuật không thua kém gì Polonez-M, vì vậy không cần thiết phải nhập khẩu từ Belarus.

Một vấn đề nữa cần nói tới đó là Polonez-M cũng chưa chứng tỏ được bản thân trong thực tiễn, kết quả hoàn hảo khi thử nghiệm trên thao trường chưa đảm bảo thành công cho vũ khí lúc sử dụng ngoài chiến trường.