Kể từ năm 2008, sự bùng nổ cuộc cách mạng dầu đá phiến đã làm tăng sản lượng dầu thô của Mỹ lên khoảng 9 triệu thùng mỗi ngày, tạo ra nguồn cung vô cùng dồi dào cho nhu cầu nội địa cũng như quốc tế.
Trong những ngày đầu của cuộc cách mạng dầu đá phiến, khi chưa rõ liệu sự kiện này có gây ra tác động nào đáng kể hay không, phần lớn các quốc gia thuộc Tổ chức OPEC đã bỏ qua mối nguy cơ hiện hữu trước mắt.
Tuy vậy vào thời điểm cuối năm 2014, khi sản lượng dầu thô của Mỹ đạt mức gần 5 triệu thùng/ngày, các thành viên OPEC bắt đầu cảm thấy "giật mình" và quyết định không thể đứng yên quan sát được nữa.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cuối cùng đã áp dụng một chiến lược nhằm bảo vệ thị phần đang bị mất do sự gia tăng sản lượng dầu ngoài OPEC, đặc biệt là từ Mỹ. Chuyên gia năng lượng Robert Rapier đã đánh giá sự kiện trong một bài phân tích đăng trên tờ OilPrice.
Theo nhận xét của ông Robert Rapier, cách tiếp cận sau đó mà Tổ chức OPEC theo đuổi đã dẫn đến cuộc chiến về giá và "lấp đầy" thị trường một cách khắc nghiệt bằng nguyên liệu thô.
Bước đi của OPEC làm giảm giá nhiên liệu rất mạnh, giá dầu đã lao dốc và một số nhà sản xuất dầu đá phiến buộc phải tuyên bố phá sản, nhưng bước đi trên cũng khiến OPEC mất ít nhất 1.000 tỷ đô la doanh thu, do hầu hết các công ty dầu đá phiến Mỹ vẫn tồn tại.
Tại thời điểm cuối năm 2016, nhiều thành viên OPEC đã buộc phải "giương cờ trắng", từ bỏ đẩy mạnh sản xuất và quay lại quá trình cắt giảm sản lượng để tăng giá nguyên liệu thô và chiến lược này vẫn được tiếp tục cho đến ngày nay.
Mặc dù vậy theo chuyên gia Rapier, bước đi của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cuối cùng sẽ được đền đáp, bởi vì sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ dường như đang ổn định và có xu hướng đi xuống.
Sự kiên nhẫn và bền bỉ của Tổ chức OPEC và đối tác (OPEC+) có thể dẫn đến sự thống trị tuyệt đối thị trường như trước kia nếu sản lượng dầu đá phiến của Mỹ bắt đầu giảm với tốc độ thậm chí còn nhanh hơn so với hiện nay.
Theo số liệu thống kê, kể từ cuối mùa hè năm ngoái, việc sản xuất dầu đá phiến gần như đã dừng lại. Sản lượng cho dù có thời điểm tăng nhẹ nhưng gần đây lại giảm xuống còn 13,1 triệu thùng/ngày.
Các chuyên gia tự tin cho rằng kỷ lục sản lượng dầu đá phiến đã rời xa và sẽ không tăng trưởng đáng kể trong năm nay hoặc năm tới. Điều này cho thấy có khả năng sự hy sinh to lớn của OPEC không phải là điều vô ích.
Nhưng trong thời gian tới, Tổ chức OPEC+ cũng phải đối mặt với một nguy cơ không nhỏ, đó là sự "xé rào" của nhiều thành viên khi nhận thấy giá dầu thô thế giới đang tăng cao.
Điển hình như Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đang yêu cầu hạn ngạch mới, điều này đẩy Tổ chức OPEC rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Nếu không đồng ý với UAE, OPEC có nguy cơ mất đi một thành viên quan trọng, còn nếu chấp thuận thì chiến lược mà khối theo đuổi bấy lâu rất dễ phá sản. Những gì diễn ra trong thời gian sắp tới được xem chính là cơ hội phản công của ngành dầu đá phiến Mỹ.