69 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân (12-7-1946/12-7-2015):

"Tình báo điện tử không gian" với hoạt động bí ẩn của "Đoàn quân thầm lặng"

ANTĐ - Đọc các câu chuyện “Đội 17”, “Chiếc cặp da bò”, “Hội trường giản dị” trong cuốn sách “Tình báo điện tử không gian”, độc giả sẽ lạc vào thế giới bí ẩn của “đoàn quân thầm lặng”, qua đó thêm hiểu và yêu các chiến sỹ An ninh đang ngày đêm âm thầm hy sinh vì cuộc sống bình yên.

Cuốn sách chuyên khảo “Tình báo điện tử không gian”

Câu chuyện “Đội 17”

Bộ Công an Việt Nam từng có một đơn vị như thế thuộc lực lượng trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện. Đội 17 có gần 100 chiến sỹ giỏi võ, tinh thông nghiệp vụ, chính là những người đã bắt sống 54 toán gián điệp biệt kích Mỹ-ngụy có sử dụng điện đài vô tuyến điện thâm nhập vào miền Bắc Việt Nam trong giai đoạn 1961-1972.

Năm 1961, Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh triển khai “Chiến dịch chiến tranh bí mật” với trọng điểm là tung các toán biệt kích vào miền Bắc Việt Nam. Số biệt kích này được cố vấn Mỹ huấn luyện, đào tạo, trang bị và đặt dưới sự chỉ đạo của CIA, có nhiệm vụ đánh phá các mục tiêu quan trọng, ám sát cán bộ lãnh đạo, do thám hoạt động quân sự, chính trị ở địa phương, theo dõi viện trợ vũ khí của Liên Xô, Trung Quốc, vẽ sơ đồ tọa độ, vị trí quân sự, chính trị quan trọng trên miền Bắc.

Sau toán đầu tiên nhảy dù từ máy bay C47 xuống điểm cao 828, bản Hỳ, xã Phiềng Ban, Phù Yên, lúc 22h05 ngày 25-5-1961, trong vòng 10 năm sau đó, Mỹ đã thả vài trăm toán biệt kích như vậy thâm nhập vào hầu hết các tỉnh, thành phố trên miền Bắc Việt Nam. Nhờ công tác trinh sát kỹ thuật và tình báo vô tuyến điện tử, Đội 17 đã biết trước kế hoạch này. 4 ngày sau khi nhảy dù xuống điểm cao 828, toán biệt kích gồm 4 tên bị bắt sống.

Theo chỉ đạo của Bộ Công an, với tài thao lược của lực lượng trinh sát, “trò chơi nghiệp vụ điện đài” được sử dụng hiệu quả. Kế hoạch “mồi nhử” được triển khai, việc truy tìm, đánh lạc hướng địch đồng loạt được tiến hành. Sau gần 6 năm tiến hành, chuyên án gián điệp biệt kích đã được ta phá thành công. Kết quả: Ta bắn rơi 1 máy bay C47 chở biệt kích, diệt 3 toán xâm nhập, bắt sống 28 tên. 18 lần địch thả tiếp tế vũ khí, trang bị chất nổ và các thiết bị điện đài cho đồng bọn đều bị ta thu giữ hết. 

Đặc biệt, từ ngày 22-9-1964 đến 4-6-1972, lực lượng trinh sát kỹ thuật vô tuyến điện đã theo dõi được 860 chuyến tàu biệt kích Mỹ/ngụy, thâm nhập vùng biển từ Vĩnh Linh đến Hà Nam Ninh; đồng thời theo dõi xác định điểm xuất kích của 514 chuyến bay biệt kích, chở hàng trong cuộc chiến tranh phá hoại ra miền Bắc của Mỹ.

Chiếc cặp da bò

Tháng 11-1970, khi chiến dịch tập kích trại tù binh Mỹ ở Sơn Tây thất bại, một số chuyên gia tình báo Quân đội Mỹ (DIA) quả quyết rằng chiến dịch của họ thất bại chỉ vì sự trùng hợp tình cờ. Theo họ, thời điểm đó mưa nhiều, nước các sông lên cao đe dọa lụt, phía Việt Nam đã sơ tán tù binh đi nơi khác.

Nhưng một số chuyên viên DIA và CIA khác thì cho rằng tình báo Việt Nam đã biết trước về kế hoạch giải cứu phi công Mỹ nên chiến dịch này mới đại bại. Những chuyên gia này đã đúng, vì trong chiến dịch này, Tình báo và Quân đội nhân dân Việt Nam đã thắng trong “ván cờ người”. Đích thực, tình báo của ta đã biết về cuộc tập kích này, nhờ không phải 1 hay 2 mà tới 4 nguồn tin, trong đó nguồn tin của lực lượng trinh sát kỹ thuật đặc biệt thuộc Bộ Công an là đặc biệt quan trọng.

Hơn 40 năm trôi qua, hồ sơ được giải mật cho thấy có một bức điện với độ mật cấp chiến lược, đã được thám mã, báo cáo lên từ cơ quan trinh sát  kỹ thuật đặc biệt của  Tổng cục An ninh, đặt cẩn trọng trong chiếc cặp da bò sờn quai của Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn. Thông tin trong bức điện cũng trùng hợp với nguồn tin từ tổ công tác ngoài nước của đơn vị đặc biệt trong phái đoàn đàm phán Hiệp định Paris báo cáo về.

Hội trường giản dị

Có một hội trường rất giản dị, đứng chơ vơ giữa cánh đồng mía bạt ngàn,  ở ngoại ô Hà Nội, đó là ngôi nhà cấp bốn lợp mái tôn hơn 40 năm nay vẫn thế. Nhưng chính nơi này đã đón nhiều thế hệ lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đến và trao những tấm huân chương, những danh hiệu cao quý nhất cho một đơn vị “sống và chiến đấu trong thầm lặng”.

Tại hội trường này, lễ đón danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ 6 cho đơn vị làm công tác “Tình báo và phản gián điện đài” đã diễn ra. Tìm hiểu thực tế chúng ta được biết, đúng là có một đơn vị như thế, với tổng cộng 6 lần được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Những chiến sỹ và cán bộ ở Cục Kỹ thuật nghiệp vụ thuộc Tổng cục An ninh nhân dân cũng bình dị như chính hội trường giản dị đã chứng kiến bao sự kiện, bao chiến công trong thầm lặng, lẫy lừng của họ.

Để hiểu thêm, để chia sẻ những khó khăn cùng “Đoàn quân thầm lặng”, độc giả có thể tìm đọc cuốn sách “Tình báo điện tử không gian” trong Thư viện Công an Nhân dân và Quân đội Nhân dân - cuốn sách chuyên khảo đặc biệt mới được Nhà xuất bản Công an Nhân dân phát hành phục vụ công tác nghiên cứu.