Tín dụng tăng 8,38%, lĩnh vực nào đang chiếm dư nợ nhiều nhất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngoài lĩnh vực ưu tiên thì bất động sản là lĩnh vực chiếm dư nợ lớn trong tổng dư nợ hệ thống ngân hàng.

Theo thông tin từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính 23/11/2023 dư nợ toàn hệ thống ngân hàng đã tăng 8,38% so với cuối tháng 12/2022, đạt 56% mức NHNN đã giao cho các tổ chức tín dụng (TCTD).

Theo đó, dư địa còn lại từ nay đến hết năm của toàn hệ thống để các TCTD mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng gần 6,2%, tương đương với các TCTD còn khoảng 735.000 tỷ đồng để cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Với thanh khoản hệ thống TCTD dư thừa và còn rất nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, TCTD có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.

Theo NHNN, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu.

Tăng trưởng tín dụng đến cuối năm vẫn ở mức thấp

Tăng trưởng tín dụng đến cuối năm vẫn ở mức thấp

Trong tổng dư nợ hệ thống từ đầu năm đến nay, NHNN cho biết, tín dụng lĩnh vực ưu tiên – đặc biệt là tín dụng nông nghiệp, nông thôn – và tín dụng bất động sản đang là hai lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tín dụng hiện nay.

Cụ thể, với lĩnh vực ưu tiên, tín dụng với lĩnh vực nông thôn chiếm tỷ trọng lớn nhất, đạt dư nợ cho vay trên 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm 24,52% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, tăng 6,33% so với cuối năm 2022.

Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 2,34 triệu tỷ đồng, chiếm 18,34%, tăng 7,46% so với cuối năm 202.

Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt khoảng 322.000 tỷ đồng, chiếm 2,53%, tăng 11,61% so với cuối năm 2022.

Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đạt trên 350.000 tỷ đồng, chiếm 2,75%, tăng 18,54% so với cuối năm 2022.

Tín dụng đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao khoảng 45,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,36%, tăng gần 18% so với cuối năm 2022.

Trong khi đó, đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro: Tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông là 92.300 tỷ đồng, tăng 0,16% so với cuối năm 2022, chiếm 0,72% tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế.

Tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán là trên 81.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 0,64% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng gần 93% so với cuối năm 2022.

Riêng tín dụng lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với cuối năm 2022, chiếm 21,46% tổng dư nợ nền kinh tế.

Cho vay phục vụ nhu cầu đời sống đạt trên 2,7 triệu tỷ đồng, tăng 1,53% so với cuối năm 2022, chiếm 21,2% dư nợ nền kinh tế.

Mới đây nhất, ngày 29/11, NHNN đã điều tiết lại hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng.

Trước đó, tháng 7/2023, cơ quan quản lý đã phân bổ hạn mức tín dụng cho toàn hệ thống TCTD với tổng mức phân bổ tăng trưởng là 14,5% (sát với chỉ tiêu định hướng đề ra cho năm 2023 là 14-15%).

Tuy nhiên, đến 23/11 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,38% và mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều, một số TCTD tăng trưởng khá cao, một số TCTD tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm. Do đó, để kịp thời linh hoạt điều hành, đáp ứng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng phục vụ nhu cầu vốn cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, NHNN đã điều hòa chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong toàn hệ thống từ TCTD không sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sang các TCTD cần được tiếp tục mở rộng tăng trưởng tín dụng.

Theo đó, các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2023 đạt từ 80% chỉ tiêu tín dụng đã được NHNN thông báo trước đó thì ngân hàng được tự chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm.

Mức bổ sung này được ngân hàng tự xác định căn cứ điểm xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên cộng thêm cho TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên và cộng thêm cho ngân hàng giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian qua.