Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội hiện nay là bao nhiêu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo báo cáo của Bộ LĐ-TBXH, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020 của người lao động là hơn 5,68 triệu đồng/tháng, tăng 6,05% so với năm 2019.
Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020 của người lao động là hơn 5,68 triệu đồng/tháng

Tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020 của người lao động là hơn 5,68 triệu đồng/tháng

Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ Bảo hiểm xã hội năm 2020, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, tính đến cuối tháng 12/2020, có hơn 15 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc giảm 153.092 người (tương ứng với 1%) so với năm 2019.

Đây là năm đầu tiên số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bị giảm so với năm trước, nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 dẫn đến người lao động tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh bị mất việc làm, không còn thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Hiện nay, có trên 151.000 tổ chức, cá nhân có trả thu nhập nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động; có trên 213.000 tổ chức, cá nhân chưa tham gia đầy đủ. Cơ quan bảo hiểm xã hội đã tiến hành rà soát trên 196.000 doanh nghiệp và xác định được gần 388.000 lao động thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Cũng theo Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc năm 2020 của người lao động là 5.687.180 đồng/tháng, tăng 6,05% so với năm 2019. Tính đến ngày 31/12/2020 tổng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 12.113 tỷ đồng, tăng 2.013 tỷ đồng (tương ứng 19,9%) so với năm 2019, chiếm 4,4% số phải thu...

Để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cần tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội tại Trung ương và địa phương, đặc biệt là vấn đề về phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; vấn đề về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH cũng kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội theo định hướng cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về mở rộng đối tượng tham gia tiến tới thực hiện bảo hiểm xã hội toàn dân; hoàn thiện các quy định về đóng - hưởng; nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ; chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần; sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng bảo hiểm xã hội.