- Dự kiến đến năm 2020 mới tăng mức đóng Bảo hiểm y tế
- Bộ trưởng Y tế: Đi khám BHYT mà được vài viên thuốc thì còn ai muốn tham gia?
- Từ 1-10, tất cả người tham gia Bảo hiểm y tế có thẻ mới
Quyền lợi của người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh vẫn còn hạn chế
Trong khi đó, phía Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cảnh báo tình trạng vỡ Quỹ BHYT có thể xảy ra sau 2 năm nữa, một phần do tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ xảy ra phổ biến tại các bệnh viện. Mâu thuẫn giữa một bên “quản lý tiền” là BHXH với một bên “tiêu tiền” là ngành Y tế khó tìm được tiếng nói chung.
Các bệnh viện đua nhau trục lợi quỹ?
Ngày 19-10, tại buổi đối thoại về chính sách BHYT khu vực phía Bắc, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định BHYT và thanh toán đa tuyến, BHXH Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm nay, chi BHYT cho khám chữa bệnh tăng vọt. Đáng chú ý, 35 tỉnh, thành phố có số chi BHYT tăng trên 100% như Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Trị, Tuyên Quang… khiến cho Quỹ BHYT giao cho các tỉnh này bị âm hàng nghìn tỷ đồng. Ngoài nguyên nhân tăng lượt khám chữa bệnh BHYT cơ học hay tăng giá dịch vụ y tế, bội chi Quỹ BHYT này có nguyên nhân lớn từ việc các cơ sở khám, chữa bệnh chỉ định dịch vụ không hợp lý, lạm dụng, tìm nhiều cách để trục lợi quỹ.
“Các bệnh viện không thể tiêu thoải mái Quỹ BHYT được, nhưng BHXH cũng không được gây cản trở khó khăn để các cơ sở khám, chữa bệnh căng thẳng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Để chứng minh cho nhận định của mình, ông Dương Tuấn Đức nêu ví dụ, tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh, số lượt khám chữa bệnh BHYT quý III-2017 tăng gấp đôi so với quý II, chi khám chữa bệnh BHYT tăng tới 32%: “Hay có những bệnh viện tuyến huyện mọi năm công suất sử dụng giường bệnh chỉ khoảng 40-50% nhưng vẫn kê thêm giường bệnh ngoài số giường kế hoạch tới 380% nhằm… hưởng tiền BHYT chi trả theo đầu giường bệnh.
Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật, chỉ định chiếu chụp, xét nghiệm nhằm trục lợi Quỹ BHYT cũng phổ biến, hậu quả không chỉ Quỹ BHYT bị bòn rút mà chính người bệnh bị thiệt thòi vì phải đồng chi trả”.
Ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT, BHXH Việt Nam dẫn chứng, có bệnh nhân ở An Giang chỉ bị gãy chân nhưng bệnh viện chỉ định chụp CT scanner tới 5 lần trong 5 ngày liền, dù kết quả giống hệt nhau. Tinh vi hơn là có tình trạng cắt lẻ dịch vụ/ phẫu thuật ra để thanh toán BHYT, tức cùng một phẫu thuật nhưng cố tình tách ra thành nhiều dịch vụ khác nhau để được hưởng BHYT nhiều hơn.
Ông Dương Tuấn Đức chia sẻ, qua kiểm tra 5 bệnh viện tại Hà Nội (Việt Đức, Xanh Pôn, Phụ sản Trung ương, Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y), số tiền mà các bệnh viện tăng thu từ cách tách nhiều dịch vụ trong 1 phẫu thuật lên tới 5,33 tỷ đồng, cùng đó người bệnh cũng bị thu thêm gần 4 tỷ đồng nữa. Chẳng hạn, một ca phẫu thuật tim chi phí tối đa là 8 triệu đồng nhưng nhiều bệnh viện tách ra thành 4 dịch vụ khác nhau để thu tổng cộng tới 50 triệu đồng từ người bệnh và BHYT…
Giám định bảo hiểm “vừa đá bóng vừa thổi còi”
Thừa nhận tại một số nơi có tình trạng lạm dụng dịch vụ kỹ thuật để trục lợi Quỹ BHYT, song phía Bộ Y tế cũng phản bác lại quan điểm của BHXH Việt Nam khi cho rằng, công tác giám định BHYT cần phải xem lại, đảm bảo khách quan hơn và phải vì quyền lợi của người bệnh.
Ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, Bộ Y tế cho biết, việc ngành BHXH giao dự toán quỹ khám chữa bệnh BHYT cho các địa phương là trái quy định của pháp luật, chưa kể đơn vị này còn giao thiếu, giao chậm. Đặc biệt, việc giám định và xuất toán chi BHYT của ngành BHXH tại nhiều địa phương chưa chính xác hoặc vội vàng công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng gây ảnh hưởng đến uy tín và làm ngành y tế “bối rối”.
“Tại Đồng Nai, quý I-2017, giám định tự động của ngành BHXH từ chối thanh toán 208 tỷ đồng, bằng 45% số đề nghị thanh toán, nhưng khi giám định lại thì chỉ phải xuất toán có 22,6 tỷ đồng...”, ông Đặng Hồng Nam dẫn chứng. Cũng theo ông Đặng Hồng Nam, hiện có tới 50% giám định viên BHYT của ngành BHXH không có trình độ chuyên môn y, dược nên chất lượng giám định khó đảm bảo. Mặt khác, cơ quan giám định BHYT phải được độc lập với cơ quan BHXH, còn giám định BHYT vẫn nằm trong ngành BHXH như hiện nay thì khó tránh dư luận cho rằng “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, Quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, là tiền của nhân dân và phải sử dụng cho nhân dân. Từ 2010-2016, Quỹ BHYT kết dư 49.000 tỷ đồng, theo Bộ trưởng, đây cũng không hẳn là điều đáng mừng.
Lý do kết dư quỹ là vì kỹ thuật cao ở bệnh viện tuyến dưới không có, người dân không được thụ hưởng, quyền lợi của bệnh nhân BHYT chưa được đảm bảo, thậm chí nhiều bệnh nhân tuyến dưới vì thấy thủ tục khám chữa bệnh phiền toái mà mức được BHYT chi trả không nhiều nên tự ý chuyển sang khám dịch vụ cho nhanh. “Kết dư là dở, người bệnh thiệt thòi”, Bộ trưởng Bộ Y tế nêu quan điểm.
Thừa nhận với tình trạng bội chi Quỹ BHYT hiện nay, số tiền kết dư 49.000 tỷ đồng chỉ có thể đảm bảo duy trì cân đối quỹ được 2, 3 năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nhiệm vụ là vừa phải bảo tồn quỹ vừa phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.