Tiêm kích thế hệ 6 Nga tự đốt cháy lớp vỏ tàng hình do vận tốc quá lớn?

ANTD.VN - Rào cản lớn đối với tiêm kích thế hệ 6 của Nga đã được chỉ rõ, đó là độ bền của lớp vỏ tàng hình khi bay vận tốc lớn.

Nga, Mỹ và Trung Quốc đang nghiên cứu một số ý tưởng thiết kế tiêm kích thế hệ 6, trong đó Washington dường như chiếm vị trí dẫn đầu trong cuộc đua đầy khó khăn này.

Ban đầu Trung Quốc không muốn chia sẻ thông tin cho đến khi một mô hình của họ xuất hiện tại Triển lãm hàng không Chu Hải 2022. Trong khi đó Nga luôn gây chú ý với những hy vọng và kế hoạch lớn.

Nga từ lâu đã quảng cáo Izdelie-41 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của mình. Được phát triển bởi công ty Mikoyan, nó dự kiến ​​sẽ nhận tên viết tắt MiG-41, tuy nhiên hiện nay thường được gọi là PAK DP - Tổ hợp hàng không tiềm năng để đánh chặn tầm xa.

Theo các nguồn tin, chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của MiG-41 có thể diễn ra vào năm 2025. Ngày nay, điều đó dường như bất khả thi, trừ khi cuộc xung đột ở Ukraine dừng lại ngay bây giờ.

Nga đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình chiến sự, họ đã phải chuyển tất cả các nguồn tài chính quốc phòng sang sửa chữa, tân trang và sản xuất xe tăng, pháo hạng nặng.

Đồng thời chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine đã khiến các quốc gia có nền kinh tế và công nghệ hàng đầu thế giới can thiệp. Những biện pháp trừng phạt kinh tế liên tiếp được ban bố, ngăn cản Moskva tiếp cận các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là chất bán dẫn và vi mạch.

Ngành công nghiệp Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực vi mạch không tiên tiến như Tổng thống Vladimir Putin mong muốn, trong đó đó thiết bị này là tối quan trọng đối với mọi vũ khí công nghệ cao.

Tuy nhiên có những chi tiết thú vị khi chúng ta nói về Izdelie-41. Một trong những tính năng đáng kể nhất được Moskva giới thiệu đó là tiêm kích tương lai sẽ di chuyển với tốc độ từ Mach 4 - 5. Điều đó nghe có vẻ ngoạn mục, nhưng rất thiếu thực tế.

Đầu tiên, không chắc liệu phi công có chịu được tải trọng tác động lên minh hay không, tức là G dương và G âm. Và thứ hai chính là ma sát không khí. Khi di chuyển với tốc độ như vậy, vật thể tạo ra nhiệt lượng rất lớn.

Nói một cách đơn giản, chiếc máy bay chiến đấu sẽ không có vỏ bọc tàng hình do bị cháy bởi ma sát không khí. Điều này gây ra vấn đề với hiệu suất của chính máy bay, và hai là nếu mất vỏ bọc tàng hình, chiếc tiêm kích sẽ bị lộ diện dễ dàng.

Điều đó nghĩa là các kỹ sư Nga được giao nhiệm vụ phát minh ra một lớp phủ tàng hình cho các bộ phận có thể chịu được nhiệt độ do ma sát lúc phi cơ bay ở vận tốc Mach 4 hoặc Mach 5. Điều này rất có thể trở thành hiện thực, không ai biết ngày mai sẽ ra sao.

Nhưng để đạt được tốc độ như vậy cũng đồng nghĩa với việc bản thân máy bay phải chịu nhiều tác động bất lợi. Nhiệt độ cao trong quá trình vận hành dẫn đến quá nhiệt và phải sửa chữa thường xuyên. Điều này làm cho việc bảo trì trở nên đắt đỏ hơn.

Câu hỏi đặt ra tiếp theo là làm thế nào để Izdelie-41 đạt được tốc độ này? Ngành công nghiệp quốc phòng Nga sẽ phải phát triển loại động cơ nào để đảm bảo duy trì tốc độ siêu thanh khủng khiếp như vậy?

Có lẽ các kỹ sư Nga, ít nhất là ở giai đoạn này và với công nghệ mà chúng ta biết, sẽ sử dụng động cơ phản lực tuyến tính. Một số động cơ như vậy đang cung cấp lực đẩy cho tên lửa siêu thanh của Liên bang Nga hiện nay.

Về mặt logic, Izdelie-41 được quảng cáo là tiêm kích đánh chặn siêu thanh. Khái niệm này gần nhất với bất cứ điều gì được mô tả ở đây.

Bởi vì nếu các nhà thiết kế phát triển một nguyên mẫu hoạt động, với động cơ chất lượng đạt tốc độ Mach 5 và đảm bảo làm mát các hệ thống bên trong máy bay, thì việc đánh chặn tên lửa siêu thanh (như Kinzhal) sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn.

Với tốc độ rất lớn, chiếc MiG-41 sẽ có khả năng tiếp cận gần với tên lửa siêu thanh để đánh chặn nó, khi máy bay không bị tụt hậu lại quá xa so với quả đạn tấn công của đối phương.

Tuy nhiên tất cả những điều này đặt ra rất nhiều câu hỏi cho các kỹ sư Nga và họ thậm chí không có câu trả lời trong tương lai gần. Tình hình hiện nay rất dễ dẫn tới xu hướng đình chỉ dự án do gặp quá nhiều khó khăn.

Tức là chúng ta có thể thấy siêu máy bay đánh chặn này vào một ngày nào đó, nhưng khả năng nó được đưa và sản xuất hàng loạt đang giảm dần theo từng ngày.

Bởi vì ngày nay, Nga trước tiên phải phát triển những thành phần mà cho đến một năm trước, họ vẫn mua từ phương Tây. Ngay cả khi chiến sự tại Ukraine dừng lại, vẫn sẽ rất khó xuất hiện tiến triển nào về Izdelie-41 trong một vài năm tới.