Tiêm kích Su-57 gây kinh ngạc với khoang vũ khí bên hông chứa tên lửa R-74M

ANTD.VN - Tiêm kích Su-57 có cả hai khoang vũ khí bên hông thay vì chỉ khoang chính giữa thân, hình ảnh đầu tiên vừa được hé lộ.

Tiêm kích Su-57 Felon do Nga chế tạo liên tiếp gây ngạc nhiên cho các chuyên gia quân sự quốc tế, khi nhiều tính năng đặc biệt chỉ được hé lộ trong thời gian gần đây, cho thấy việc phát triển chiếc máy bay đang đi đúng hướng.

Tại triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế Airshow China 2024 lần thứ 15 được tổ chức tại Chu Hải, Trung Quốc, những hình ảnh về khoang vũ khí nhỏ bên hông của tiêm kích Su-57 đã lần đầu tiên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Theo thông báo từ nhà sản xuất, khoang đặc biệt này được thiết kế dành riêng cho tên lửa không đối không tầm ngắn thế hệ mới R-74M (RVV-MD), được phát triển trên cơ sở R-73M từ thời Liên Xô.

Cần nhắc lại sự kiện diễn ra vài năm trước, Bộ Quốc phòng Nga đã công khai đoạn video về vụ phóng tên lửa R-74M, khi đó giới chuyên gia quân sự quốc tế đã rất cố gắng tìm hiểu xem đó là loại đạn gì và vị trí phóng ở đâu, nhưng chưa có câu trả lời rõ ràng.

Phải tới Triển lãm Hàng không Chu Hải năm nay, mọi việc mới dần được sáng tỏ, cần nói thêm là chiếc Su-57 đi dự sự kiện thực chất là mẫu thử T-50, cho nên trên phiên bản sản xuất hàng loạt nhiều khả năng còn có một số thay đổi khác.

Việc bổ sung hai khoang vũ khí bên hông cho thấy khả năng mang tên lửa không đối không của tiêm kích Su-57 chí ít cũng sánh ngang với chiếc J-20 do Trung Quốc chế tạo, khi máy bay này vốn được biết đến với một cơ số tên lửa rất hùng hậu.

Hiện tại Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đã có một trung đoàn không quân trang bị tiêm kích Su-57, mặc dù số lượng hiện vẫn chưa đủ theo biên chế tiêu chuẩn vào khoảng 24 chiếc.

Bên cạnh đó, việc bắt đầu sản xuất hàng loạt máy bay chiến đấu Su-57 với động cơ thế hệ mới kiểu Izdeliye 30 (AL-51F) đã được lên kế hoạch cho đến năm 2027 nhằm hoàn thiện mọi tính năng theo đúng chuẩn tiêm kích thế hệ năm.

Su-57 nổi tiếng với khả năng tấn công tầm xa, thông qua các loại tên lửa Kh-69, R-37M... và nay nó đã có thêm phương tiện hiệu quả trong những trận chiến tầm gần, đó chính là tên lửa R-74M.

Theo nhà phát triển là Cục thiết kế Công nghệ đặc biệt NPO Kurganpribor, điểm nổi bật trên tên lửa R-74M là được tích hợp động cơ nhiên liệu rắn, với vector lực đẩy thay đổi, mang lại cho nó khả năng cơ động đáng kinh ngạc và tầm bắn tối đa lên tới 40 km.

Đầu dẫn đường quang điện tử (GOS) có khả năng phát hiện mục tiêu trong góc bắn 120° và có thể lệch 75° so với vị trí trung tâm. Trong chuyến bay, tên lửa có thể thay đổi mục tiêu đã lựa chọn do sử dụng đầu dò tiên tiến.

Theo đặc tính kỹ thuật được công bố, tên lửa R-74M có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao từ 20 mét đến 20 km và tăng cường khả năng bảo vệ chống lại các loại bẫy điện tử - điều rất quan trọng hiện nay.

Cần lưu ý rằng tên lửa tầm ngắn R-74M đã nhận được khả năng mở rộng phạm vi góc bắn, và hiện có thể tấn công các mục tiêu trên không ngay cả khi chúng nằm tại bán cầu sau theo nguyên tắc "bắn và quên".

Tên lửa R-74M được kỳ vọng sẽ lấp đầy cả những hạn chế của các dòng tiêm kích có khả năng cơ động thấp trong phạm vi hẹp như MiG-31BM, và khi xuất hiện trên Su-57, nó càng làm tăng thêm mức độ đáng sợ của chiến đấu cơ thế hệ 5.